Tin KHCN nước ngoài
Cơ nhân tạo hoạt động nhờ glucose và oxy giống như cơ thật (15/07/2019)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà khoa học tại Đại học Linköping đã làm mờ ranh giới giữa robot và sinh vật bằng cách phát triển một mẫu cơ nhân tạo vận hành nhờ glucose và oxy giống như cơ sinh vật. Được làm từ một loại polyme đặc biệt, cơ vật liệu nhựa mới hứa hẹn tạo ra các loại cơ nhân tạo cấy ghép được và vi robot có thể vận hành giống như các cơ quan sống.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều tiến bộ lớn trong lĩnh vực chi giả nhưng viễn cảnh thay thế mô tổn hại bằng cơ nhân tạo thay vì toàn bộ chi hay tiêm cho bệnh nhân các vi robot đóng vai trò như những bác sĩ tí hon là rất cuốn hút. Không may, một câu hỏi lớn lập tức hiện lên là làm sao cấp điện cho các thiết bị này?

Một cách để làm việc này là thay thế các bộ truyền động truyền thống vận hành bằng điện bằng các bộ truyền động phỏng theo gần giống với các quá trình tự nhiên của cơ thể, do đó cơ nhân tạo có thể hoạt động giống hệt như cơ mà nó thay thế. Để làm được điều đó, nhóm nghiên cứu Đại học Linköping do Edwin Jager dẫn đầu đã quay sang loại cơ làm từ một “bộ truyền động polyme” chứa thành phần polypyrrole.

Polypyrrole là một loại polyme pyrrole và được chú ý bởi thuộc tính dẫn điện cao. Nó chủ yếu được sử dụng trong các thiết bị điện tử và cảm biến và thay đổi thể tích khi tiếp xúc với dòng điện.

Để tạo ra cơ nhân tạo, các nhà nghiên cứu đã tạo hình polyme thành 2 lớp với một màng mỏng nằm giữa. Khi một điện tích được hình thành một bên, các ion trong polyme bị đẩy đi qua màng và tấm polyme bên này teo lại. Trong khi đó, tấm polyme ở mặt kia hấp thu electron và phồng to ra. Điều này khiến toàn bộ cơ cấu uốn cong như một bó cơ đang co.

Theo trường, điện tích này có thể áp vào từ một viên pin nhưng cũng có thể đến từ glucose và oxy bằng cách trộn vào polyme các enzyme tăng cường phản ứng để đốt cháy glucose lấy năng lượng giống cơ thật.

“Enzyme chuyển đổi glucose và oxy theo cách giống trong cơ thể để sản sinh electron cần thiết để cung cấp chuyển động cho cơ nhân tạo được làm từ polyme hoạt tính điện. Không đòi hỏi một nguồn điện thế nào cả: chỉ đơn giản nhận chìm bộ truyền động vào dung dịch glucose trong nước”, Jager giải thích.

Nay khi nguyên lý này đã được chứng minh, bước tiếp theo sẽ là vừa kiểm soát phản ứng và xem xem liệu cơ có thể được duy trì qua nhiều chu kỳ lặp lại hay không. Mục tiêu cuối cùng phỏng theo gần với mô sống cũng như áp dụng cơ cho thiết bị vi robot.

“Glucose có sẵn trong bất kỳ cơ quan nào của cơ thể và nó là một chất hữu ích để bắt đầu. Nhưng còn có thể chuyển sang các enzyme khác vốn sẽ cho phép bộ truyền động sử dụng trong vi robot tự động để giám sát môi trường ao hồ chẳng hạn. Tiến bộ mà chúng tôi trình bày ở đây có thể cấp điện cho các bộ truyền động bằng năng lượng từ các chất có trong môi trường tự nhiên xung quanh chúng”, Jager cho biết thêm.

Nguồn: dost-dongnai.gov.vn

Số lượt đọc: 3434

Về trang trước Về đầu trang