Tin KHCN trong nước
Bình Phước: Ứng dụng công nghệ nano trong trồng điều (03/07/2019)
-   +   A-   A+   In  

Vừa qua, bà Huỳnh Thị Hằng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Bình Phước chủ trì họp Hội đồng tư vấn xét chọn đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng Bộ phân bón lá nano trong trồng điều ở tỉnh Bình Phước”.

Đề tài do ThS Đào Trọng Hiền - Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) làm chủ nhiệm.

Theo chủ nhiệm đề tài, hiện năng suất cây điều của người nông dân trong tỉnh Bình Phước vẫn còn khá thấp, nguyên nhân là do người trồng điều vẫn chưa chú trọng việc sử dụng phân bón lá trong thời điểm sinh trưởng của cây.


Qua khảo sát nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, việc sử dụng phân bón lá cho cây điều được các nước trồng đều trên thế giới quan tâm và áp dụng phổ biến. Nhất là nghiên cứu sử dụng chất điều hòa sinh trưởng và các chất vi lượng trong thời điểm sinh trưởng của cây điều. Ở Việt Nam, đến thời điểm hiện tại đã có rất nhiều loại phân bón lá được khuyến cáo dùng cho cây điều. Tuy nhiên, việc sản xuất và sử dụng phân bón theo công nghệ nano hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu áp dụng trong trồng điều.

 

Theo ThS Đào Trọng Hiền, từ năm 2015 Viện Công nghệ môi trường được giao thực hiện nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong các loại cây trồng, như: cà phê, hồ tiêu, thanh long… Kết quả đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tăng năng suất cây trồng. Do đó, việc nghiên cứu chế tạo và ứng dụng phân bón nano vi lượng trên cây điều nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm hạt điều là nhiệm vụ cấp thiết mang lại nhiều lợi ích lâu dài để phát triển trên các vùng trồng điều Bình Phước.

 

Các nhà khoa học và thành viên trong Hội đồng dự cuộc họp đã đánh giá cao tính khả thi của đề tài, đồng thời yêu cầu ban chủ nhiệm cần quan tâm đến giá thành của sản phẩm khi đưa ra thị trường; tên đề tài nên sửa lại thành “sản xuất phân bón lá theo công nghệ nano”; sản phẩm đưa ra thị trường cần có tiêu chuẩn chung của công nghệ, môi trường cũng như nghiên cứu ở vùng đất trồng và giống điều phù hợp.

 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cho biết, cây điều là cây kinh tế chủ lực của tỉnh, tỉnh quyết tâm giữ vững diện tích ở mức 180 ngàn ha. Nhưng trong nhiều năm qua cây điều luôn đối mặt với thời tiết, điều trúng hay thất tuỳ vào thời tiết thuận lợi hoặc khó khăn. Mong muốn của tỉnh là cây điều phát triển ổn định cả về năng suất lẫn chất lượng trên cơ sở phát triển các mô hình điều hữu cơ. Việc nghiên cứu về công nghệ nano cho cây điều rất cần thiết đối với Bình Phước hiện nay. Chủ tịch hội đồng cũng đồng ý với các đề xuất của chủ nhiệm đề tài. Đồng thời lưu ý chủ nhiệm đề tài cần phải làm rõ hơn về hiệu quả của công nghệ; cam kết tuân thủ đầy đủ nội dung mà đề tài đăng ký thực hiện.

 

Sau khi xem xét, các nhà khoa học và thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu xét chọn đề tài với kết 91,13/100 điểm.

 

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 3168

Về trang trước Về đầu trang