Tin KHCN trong nước
Lại tạo thành công 3 giống thanh long cao cấp mới (06/06/2019)
-   +   A-   A+   In  

Ba giống thanh long ngọt đậm, cho năng suất cao, bảo quản được lâu hơn và còn có khả năng kháng bệnh đốm nâu nan giải vốn ảnh hưởng mạnh đến khả năng xuất khẩu loại trái này, vừa được Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) lai tạo thành công bằng công nghệ DNA.

Thông tin này được TS. Trần Thị Oanh Yến – Phó Viện trưởng SOFRI cho biết tại Hội thảo “Mô hình thương mại hóa các giống trái cây cao cấp – Lộ trình cho trái thanh long chất lượng cao của Việt Nam” do Đại sứ quán New Zealand phối hợp với SOFRI tổ chức ngày 5/6 tại TPHCM.

 

Ba giống thanh long trên cũng là kết quả của dự án “Phát triển giống cây cao cấp” do Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand, SOFRI và Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thực hiện. Dự án do Chương trình phát triển New Zealand tài trợ, trị giá 8,1 triệu USD, được thực hiện từ năm 2013 - 2021.

 

Bà Yến cho biết, sử dụng công nghệ DNA để chọn lọc bố mẹ và lai tạo, các giống thanh long mới nói trên có vị ngọt đậm hơn, chắc thịt so với các giống cũ. Đặc biệt, giống ruột hồng có hương thơm nhẹ và chưa một giống nào trước đây có mùi vị đặc trưng. 

 

“Ưu việt của các giống này không chỉ cho năng suất cao mà, bảo quản được lâu hơn mà còn có khả năng kháng bệnh đốm nâu – đây là loại bệnh phổ biến và nan giải trên trái thanh long của Việt Nam” – bà Yến nói và cho biết thêm, tính kháng bệnh này sẽ giúp trái thanh long Việt Nam dễ dàng hơn khi xuất khẩu bởi thời gian ra hoa đến khi thu hoạch trái thanh long thường ngắn, việc phun thuốc trừ sâu dễ để lại dư lượng trên trái. Trong khi đó, các loại thuốc trừ bệnh đốm nâu đều nằm trong danh mục không thể xuất khẩu đến các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản,...

TS. Michael Lay-Yee, Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand, cho biết, ngoài việc lai tạo ra các giống thanh long cao cấp, Dự án còn phát triển thành công mô hình trồng, xử lý sau thu hoạch thanh long theo phương pháp cải tiến và quy trình kiểm soát bệnh đốm nâu.

 

Cụ thể, Dự án thực hiện thí tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bình Thuận phương phương trồng thanh long theo kiểu giàn chữ T, giúp người trồng kiểm soát được bệnh hại hiệu quả, chất lượng, kích quả đồng đều, năng suất cao gấn 2 – 3 lần so với kiểu trồng trụ. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực sau thu hoạch, dự án đã thực hiện việc giám sát nhiệt độ của kho lạnh, nhiệt độ xuất kho, cải thiện sự lưu thông không khí trong kho lạnh trong quá trình đóng gói, bảo quản. Các nhà khoa học của Việt Nam cùng với sự hợp tác của 

các nhà khoa học New Zealand chế tạo thành công máy rửa thanh long áp lực cao hoàn toàn tự động. Máy có khả năng làm sạch trái rất cao mà không làm tổn thương trái, giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả của việc xử lý diệt nấm cho trái sau thu hoạch.

 

Theo bà Yến, các loại giống mới sẽ được đăng ký bản quyền trong nước và quốc tế. Dự kiến cuối năm 2020, dự án sẽ đưa vào sản xuất các giống mới để thương mại hóa tại Việt Nam và thị trường quốc tế.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 2698

Về trang trước Về đầu trang