Tin KHCN trong nước
Đồng Nai: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP (04/04/2019)
-   +   A-   A+   In  

Sau 36 tháng triển khai thực hiện, dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm phòng bệnh chết nhanh, chết chậm góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững và xây dựng nhãn hiệu hồ tiêu tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ thực hiện đã hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu và phát triển nhãn hiệu hồ tiêu Tân Phú. Kết quả của dự án vừa được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tổng kết, nghiệm thu.

Đánh giá về hiện trạng sản xuất hồ tiêu tại Tân Phú của dự án nêu rõ: ở Tân Phú, điều kiện thời tiết và đất đai khá phù hợp, nguồn nước tưới đầy đủ và chất lượng tốt. Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phú với diện tích năm 2017 là trên 2.700 ha. Vườn hồ tiêu giai đoạn kinh doanh chiếm phần lớn, quy mô, diện tích lớn và giống được trồng chủ yếu là giống có chất lượng cao. Một số xã trong huyện đã có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, đây là điều kiện thuận lợi khi sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của dự án, hồ tiêu ở Tân Phú được trồng trên cả những loại đất không phù hợp, nhiều người dân chưa quan tâm đến kỹ thuật canh tác nên khó kiểm soát được sâu bệnh. Đa số nhà vườn tự sản xuất giống hoặc mua giống ở các cơ sở khác nhau nên giống trồng chưa đạt yêu cầu về chất lượng, không kiểm soát được sâu bệnh dễ đưa đến thoái hóa giống. Bên cạnh đó, một số biện pháp canh tác của nhà vườn chưa hợp lý như: chưa làm mương thoát nước trong mùa mưa; bón ít phân hữu cơ hoặc sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý; sử dụng phân vô cơ chưa cân đối, chủ yếu là phân hỗn hợp NPK ít có sự điều chỉnh loại phân bón có tỷ lệ NPK khác nhau nên chưa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây, do đó làm giảm hiệu quả sử dụng phân cũng như ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây.

Các nhà vườn cũng sử dụng nhiều thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại, ít quan tâm đến sử dụng thuốc sinh học. Nhiều nhà vườn còn sử dụng kết hợp từ 2-3 loại thuốc với nhau trong một lần phun nhằm giảm chi phí lao động, trong khi lại không hiểu rõ đặc điểm và tính chất của từng loại thuốc. Hiện tượng sử dụng thuốc không đúng chủng loại là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả phòng trừ sâu bệnh kém. Tình hình sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu phát triển mạnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh gây hại trên diện rộng; chưa quan tâm đến liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, năng suất trung bình của hồ tiêu trên địa bàn huyện giảm từ 23,62 tạ/ha năm 2015 xuống còn 21,81 tạ/ha năm 2017.

KS Nguyễn Minh Đức, chủ nhiệm dự án cho biết, để khắc phục hiện trạng trên cần có sự hỗ trợ kỹ thuật cho nhà vườn thông qua tập huấn, hội thảo, xây dựng mô hình trình diễn để nông dân cập nhật các tiến bộ kỹ thuật áp dụng cho vườn cây. Đồng thời tăng cường liên kết dọc, tạo cầu nối cho nông dân tiếp cận với nguồn vốn, thị trường tiêu thụ, kỹ thuật công nghệ trong cải tạo, đầu tư thâm canh vườn. Đây cũng là những nội dung trọng tâm mà dự án đã tập trung thực hiện.

Dự án đã xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ và nấm đối kháng phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm với diện tích 1 ha ở 2 hộ thuộc xã Phú Xuân và xã Phú Lộc. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là các biện pháp canh tác như: cắt tỉa cành thông thoáng, vệ sinh vườn, loại bỏ những cây bị bệnh ra khỏi vườn để tiêu hủy bằng cách cho xuống hố rắc vôi bột kết hợp với thuốc trừ nấm Ridomil Gold 68 WP và tuyến trùng Tervigo 20 SC; chỉ phun thuốc hóa học cho những cây bị bệnh trên vườn và các cây xung sung quanh cây bệnh, cắt tỉa cành ở dưới gốc cách mặt đất từ 30-50cm, bón phân hữu cơ…Kết quả, tỷ lệ bệnh chết nhanh giảm 41,6 - 54,48%; tỷ lệ bệnh chết chậm giảm khoảng 36 - 45,41%; năng suất tăng gần 33%.

Dự án cũng xây dựng mô hình trồng xen cây muồng sục sạc nhằm hạn chế bệnh chết nhanh chết chậm trên vườn hồ tiêu với diện tích 1 ha ở 2 hộ thuộc xã Phú Lộc. Cây muồng sục sạc thuộc họ đậu, có tác dụng cải tạo đất, tạo sự thông thoáng cho đất, có tác dụng che phủ chống rửa trôi, xói mòn đất, giữ độ ẩm cho đất, đồng thời cũng cung cấp một lượng đạm cho đất nên khi trồng xen với cây tiêu thì tiêu sinh trưởng và phát triển tốt hơn, giảm tỷ lệ bệnh chết nhanh chế chậm và cũng làm giảm chỉ số bệnh chết nhanh chết chậm. Kết quả bệnh chết nhanh, chết chậm trong mô hình này giảm khoảng 51 - hơn 55%; năng suất tăng từ 18,18 - 20%.

Đặc biệt, dự án đã xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cây hồ tiêu theo hướng canh tác bền vững và đạt chứng nhận Global GAP với diện tích 3 ha ở 3 hộ thuộc xã Phú Xuân. Mô hình này cho năng suất tăng từ 28,9% đến 36,28%. KS Vũ Thị Hòa (Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ), đồng chủ nhiệm dự án cho biết, trước khi thực hiện mô hình, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đã mở các lớp tập huấn sản xuất hồ tiêu bền vững theo tiêu chuẩn Global GAP.

Ông Trần Văn Tốt ở ấp Ngọc Lâm, xã Phú Xuân, một trong những hộ nông dân tham gia mô hình chia sẻ: Ban đầu, do áp dụng đúng yêu cầu kỹ thuật, quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên chúng tôi còn chưa quen thực hiện. Tuy nhiên, hàng tháng, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đều xuống vườn hướng dẫn trực tiếp cho các hộ tham gia, dần dần đã thay đổi thói quen canh tác theo kiểu truyền thống của các nhà vườn chúng tôi.

Các nhà vườn cũng đánh giá cao mô hình và cho rằng việc thực hiện Global GAP nên được mở rộng đại trà trong sản xuất bởi các lợi ích như: vườn cây sạch sẽ, cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại, sản phẩm đảm bảo an toàn, có thể bán sản phẩm trực tiếp cho các công ty có uy tín trên thị trường với giá cả hợp lý. Do vậy, hầu hết các nhà vườn trong xã và ở các xã lân cận đều muốn tham gia mô hình - Kỹ sư Vũ Thị Hòa cho hay.

Dự án cũng đã tập huấn kỹ thuật cho 200 nhà vườn về “Quy trình kỹ thuật thâm canh hồ tiêu với những tiến bộ kỹ thuật được cập nhật như: giống mới, thiết kế vườn, kỹ thuật trồng, tỉa cành, đôn dây, tưới nước, quản lý dinh dưỡng, bón phân, dùng phân bón lá, phòng trừ sâu bệnh theo IPM, độ chín thu hoạch, quy trình GAP… Đồng thời tổ chức 2 hội thảo đầu bờ cho hơn 80 nông dân, qua đó giúp nông dân nắm vững kỹ thuật mới về phòng trừ bệnh chết nhanh và canh tác hồ tiêu bền vững, sản xuất theo Global GAP tại các mô hình được trình diễn, tìm hiểu đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng của kỹ thuật mới. Đặc biệt, dự án đã xây dựng được nhãn hiệu hồ tiêu “Lộc Thịnh” tại huyện Tân Phú và đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ”.

 

Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Số lượt đọc: 3265

Về trang trước Về đầu trang