Tin KHCN trong nước
Máy vắt bã khoai mì tiết kiệm năng lượng (01/11/2018)
-   +   A-   A+   In  
Máy vắt bã khoai mì kiểu ép trục băng tải lọc tiêu tốn ít năng lượng nhưng hiệu quả cao, năng suất đầu vào có thể đạt 7 - 8 tấn/giờ.

Nhóm tác giả TS. Lâm Trần Vũ, ThS. Đào Vinh Hưng (Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch) vừa nghiên cứu, chế tạo thành công máy vắt bã khoai mì kiểu ép trục băng tải lọc. Máy tiêu tốn điện thấp và hiệu quả vắt bã khoai mì khá cao, độ ẩm chỉ còn khoảng 60%.

 

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, cả nước có trên 100 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì với sản lượng ước tính đạt 10,9 triệu tấn/năm, trong đó 2/3 được chế biến thành tinh bột. Bã khoai mì chiếm khoảng 40% lượng củ đưa vào chế biến tinh bột. Ước tính lượng bã khoai mì thải ra vào khoảng 4 triệu tấn/năm. Đây chính là mối lo về vấn đề ô nhiễm môi trường của các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì.

 

Máy vắt bã khoai mì tiết kiệm năng lượng - 1

Máy vắt bã khoai mì VBS- 14

 

Với lượng lớn bã khoai mì, phương pháp thủ công thường là phơi hoặc sấy khô làm thức ăn gia súc. Sau chế biến, bã khoai mì có độ ẩm 88% và phải phơi từ 5 - 6 ngày trong mùa khô và mùa mưa là từ 7 - 8 ngày. Nếu có điều kiện thì có thể xử lý bằng máy. Hiện các nhà máy chế biến tinh bột thường dùng máy vắt bã khoai mì dạng trục vít lưới lọc, công suất 22 kW, năng suất đầu vào 3 - 4 tấn/giờ, vắt bã khoai mì từ 88% độ ẩm xuống còn 75% độ ẩm. Máy có giá tầm 400 triệu đồng/máy.  

 

Xuất phát từ thực tế vừa nêu trên, năm 2016, TS. Lâm Trần Vũ và ThS. Đào Vinh Hưng đã bắt tay thực hiện chế tạo máy vắt bã khoai mì với mục tiêu cải thiện được những hạn chế của các máy đang có hiện tại. Trải qua quá trình hoàn thiện và nâng cấp, đến nay, máy (có ký hiệu là VBS- 14) đã hoàn chỉnh với công suất 5,5 kWh, năng suất đầu vào 7 - 8 tấn/giờ (tương đương 14 tấn củ/giờ); vắt được bã khoai mì từ 88% độ ẩm xuống còn 60%. 100 kg sẽ vắt ra 70 kg nước, thu được 30 kg bã.

 

TS. Lâm Trần Vũ cho biết, máy ép vắt bã khoai mì VBS-14 có thiết kế khá đơn giản bao gồm: vít tải cung cấp ở phía trước máy có nhiệm vụ chứa và dàn đều bã theo chiều ngang băng tải; tấm gạt định cỡ độ dày bã cung cấp vào vắt song song và đặt ngay sau trục vít  (theo hướng tiến băng tải); rulo và trống vắt bằng sức căng băng tải đặt dưới phần ép trục; các rulo ép trục di động treo trên các đòn bẩy ép…

 

Theo đó, bã khoai mì có độ ẩm 88 - 90% được vắt bằng sức căng băng tải xuống 78 - 76% ẩm. Bã khoai mì sẽ được vắt liên tiếp qua ba lần ép trục với áp suất ép tăng dần theo cấp số nhân để giảm ẩm xuống dưới 60% và cuối cùng bã được dao gạt ra khỏi băng tải.

 

Nếu so sánh hiệu quả về mặt kinh tế giữa máy VBS-14 với các máy vắt bã khoai mì đang có hiện nay thì máy VBS-14 tuy giá thành có cao hơn (khoảng 600 triệu đồng/máy) nhưng công suất đầu vào của VBS-14 là gấp đôi, công suất tiêu hao của VBS-14 cũng chỉ có 5,5kWh, nhỏ hơn gấp 4 lần so với các máy hiện nay. Độ ẩm sau vắt của VBS-14 chỉ còn 60% (so với 75%).

 

Hiện nay máy VBS-14 đã được sử dụng rộng rãi ở một số địa phương trên cả nước gồm: công ty An Hạ (Bình Thuận), nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh (Phú Yên), công ty FOCOCEV (Bù Đăng, Bình Phước), công ty Tiến Phát (Đức Linh, Bình Thuận)…

Nguồn: khampha.vn

Số lượt đọc: 4550

Về trang trước Về đầu trang