Chuỗi hội thảo "Công nghệ phù hợp và Sở hữu trí tuệ" diễn ra 3 miền vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Ban Khoa giáo, Đài truyền hình Việt Nam (VTV2) tổ chức. Chương trình này nằm trong khuôn khổ các hoạt động của “Cuộc thi Sáng chế năm 2018” với chủ đề “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày”.
Tại chuỗi hội thảo lần này, chuyên gia lĩnh vực SHTT cho rằng, công nghệ phù hợp là công nghệ có hiệu quả đối với nơi sử dụng công nghệ và thường liên quan đến kỹ năng hoặc nguyên liệu sẵn có ở địa phương, những công nghệ này thường tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và chi phí không cao.
Các đại biểu tham dự Chuỗi hội thảo "công nghệ phù hợp và Sở hữu trí tuệ" diễn ra 3 miền vừa được tổ chức. Ảnh SHTT |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng, Phòng thông tin - Cục SHTT, hiện nay, việc phát triển và thương mại hóa công nghệ phù hợp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và thách thức. Một trong số đó là nhu cầu sáng tạo và quy trình sáng tạo còn tự phát, chưa mang tính hệ thống. Việc nghiên cứu tài liệu, tra cứu thông tin sáng chế có thể bị nhà sáng chế bỏ qua, dẫn tới xảy ra nghiên cứu trùng lặp do thiếu thông tin. Chính vì vậy, cần có nhiều khóa đào tạo nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo cho toàn xã hội. Đồng thời, cần phổ biến kỹ năng khai thác thông tin sáng chế cho các nhà nghiên cứu, nhà sáng chế, sinh viên các trường đại học và thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ để tạo điều kiện cho việc thương mại hóa công nghệ phù hợp.
Còn theo ông Junho Shin, Trưởng phòng tra cứu và thẩm định sơ bộ quốc tế PCT 1, KIPO, việc sử dụng thông tin sáng chế trong quá trình nghiên cứu và phát triển có tầm quan trọng rất đặc biệt. Ông nói: thông tin sáng chế có vai trò hết sức quan trọng, có thể nói “Không tra cứu thông tin sáng chế trong hoạt động R&D, giống như việc không kiểm tra sổ đỏ khi mua một căn nhà”.
Ông Junho Shin cũng tư vấn, hiện có các cơ sở dữ liệu của nước ngoài như PATENTSCOPE của WIPO, ESPACENET của EPO, KIPRIS của KIPO, PatFT của USPTO, J-PlatPat của JPO và PSS của SIPO... những người làm công tác nghiên cứu, sáng tạo công nghệ cần tham khảo, nghiên cứu.
Ông Junho Shin cũng cho rằng, việc thương mại hóa công nghệ phù hợp cần được thực hiện một cách bài bản, có kế hoạch và lộ trình để đạt được mục tiêu đề ra.