Tin KHCN trong nước
Hội thảo: "Ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững” (24/08/2018)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 21/8/2018, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo: "Ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững” trong khuôn khổ chương trình "Kết nối mạng lưới đổi mới và sáng tạo Việt Nam 2018". Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; các nhà khoa học cùng hơn 20 chuyên gia xuất sắc người Việt hiện đang làm việc ở nước ngoài.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, là nước đi sau, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội quý giá cho Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới nói chung và đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Các ứng dụng của công nghệ số sẽ hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, thu thập, phân tích thông tin môi trường, điều khiển các thiết bị để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn. Đồng thời, hỗ trợ hệ thống cảnh báo tự động, hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất và đề xuất các giải pháp tối ưu cho nhà nông; thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, lên kế hoạch sản xuất. Từ đó, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng và giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống. Các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI) và xu hướng ứng dụng phần mềm, chip cảm biến trong các hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn, sẽ thúc đẩy tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản.

Tuy nhiên, theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Việt Nam còn một số tồn tại cần tháo gỡ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp như: Chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn thấp và còn nhiều hạn chế; thị trường KH&CN đã hình thành nhưng quy mô nhỏ và còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn. Ngân sách đầu tư cho nghiên cứu KH&CN trong nông nghiệp còn hạn chế. Năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp còn chưa cao... Để khắc phục những yếu tố này, Việt Nam cần chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy đầu tư công cho phát triển KH&CN nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào KH&CN nông nghiệp; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và tạo vốn cho doanh nghiệp phát triển KH&CN trong nông nghiệp.

Tại hội thảo, nhiều diễn giả là các chuyên gia ở trong và ngoài nước đã thảo luận về những khó khăn, thách thức liên quan đến phát triển nền nông nghiệp Việt Nam; vấn đề sử dụng hóa chất trong bảo quản thịt, thủy sản và nông sản còn nhiều nan giải, dư lượng hóa chất gây ảnh hưởng đến xuất khẩu. Nhấn mạnh vai trò của KH&CN trong nông nghiệp, ông Hoàng Nguyễn, Đại học California, Hoa Kỳ cho hay, vai trò của KH&CN trong nông nghiệp là rất quan trọng, thiếu yếu tố này đồng nghĩa với việc rủi ro lớn cho cả nền nông nghiệp. Bởi, theo ông Hoàng Nguyễn, cây trồng vật nuôi không phải là hàng hóa bình thường mà là những thực thể sống. Ở quy mô lớn, mỗi thiếu sót về kỹ thuật có thể trả giá bằng hàng triệu đô-la.

Ngoài ra, tại Hội thảo nhiều tham luận của các chuyên gia giới thiệu về những mô hình phát triển nông nghiệp thông minh ở một số nước trên thế giới đã thực hiện, có thể áp dụng tại Việt Nam, như: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững và môi trường sống trong sạch, an toàn; khởi nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0; ứng dụng công nghệ rô-bốt tự hành trong sản xuất rau sạch; mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao; rà soát chính sách, chiến lược hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở Việt Nam; xây dựng hạ tầng dữ liệu cho ngành nông nghiệp.... Các diễn giả tại hội thảo cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá là tiềm năng tốt để mời các chuyên gia người Việt ở nước ngoài về tham gia, đưa KH&CN vào nông nghiệp. 

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 3121

Về trang trước Về đầu trang