Tin KHCN trong nước
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2018 (03/08/2018)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 31/7/2018, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2018, nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển bền vững ngành năng lượng, góp phần thực hiện các chiến lược quốc gia về phát triển KH&CN và năng lượng. Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; đại diện các Bộ, Ban, ngành, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Tại nước ta, bên cạnh các chính sách và giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống như than, thủy điện,.. Đảng và Chính phủ đã và đang thiết lập khung chính sách nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp và hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Có thể kể đến một số chính sách nổi bật như: Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam 2020, tầm nhìn đến 2050, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030....

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã hợp tác, phối hợp với các cơ quan có liên quan nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển giao công nghệ, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ. Đối với ngành năng lượng, trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”. Năng lượng là bài toán quan trọng và phức tạp mà mọi quốc gia đều phải đối mặt, điều này càng khó khăn hơn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Sự phát triển của các công nghệ năng lượng mới đang đặt Việt Nam trước nhiều thách thức và thời cơ để hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Một trong các giải pháp quan trọng để tận dụng được thời cơ này là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời làm chủ các công nghệ năng lượng mới, bền vững như công nghệ điện gió và điện mặt trời. Điều này hoàn toàn khả thi với sự vào cuộc đồng bộ của các nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhà khoa học, cùng với đó là sự hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển,... và các hiệp hội năng lượng quốc tế.

 
 
Toàn cảnh Diễn đàn.

Nhiều tham luận được trình bày tại Diễn đàn đã nêu bật những kinh nghiệm quý báu về định hướng phát triển công nghệ trong ngành năng lượng tại Việt Nam. Nội dung báo cáo tham luận gồm: Kết quả 10 năm thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; xu hướng phát triển công nghệ năng lượng trên thế giới và cơ hội cho Việt Nam; vai trò của công nghệ trong phát triển ngành công nghiệp than sạch - Cơ hội và thách thức; phát triển công nghệ chiếu sáng thông minh tại Việt Nam; Tổng quan về năng lượng mặt trời trên thế giới và cơ hội của Việt Nam; Để Việt Nam trở thành công xưởng chế tạo trong ngành công nghiệp năng lượng - Vai trò của KH&CN. 

Qua Diễn đàn lần này, các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có dịp gặp gỡ và đưa ra giải pháp nhằm phát triển đồng bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; đưa công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước phát triển. Tại Diễn đàn, Bộ KH&CN đã tiếp nhận được những những ý kiến đóng góp, chia sẻ, những khuyến nghị thiết thực của các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, doanh nghiệp, Viện, trường. Trên cơ sở đó Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực công nghệ trong nước nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của ngành năng lượng Việt Nam.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 3311

Về trang trước Về đầu trang