Tin KHCN trong nước
Kích hoạt thị trường công nghệ đô thị thông minh (31/07/2018)
-   +   A-   A+   In  

Mới đây tại TPHCM, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (ICST ) tổ chức hội thảo khoa học Smart City 360 lần thứ 2 năm 2018 với chủ đề Giải pháp tương tác thời gian thực cho đô thị thông minh. Đây là sự kiện trong khuôn khổ sự kiện VIO 2018. Hội thảo mở ra những hướng phát triển ứng dụng quan trọng cho đô thị thông minh trong nay mai.

Smart City 3600 là sự kiện kỳ vọng cho sự kết nối công nghệ
Smart City 3600 là hoạt động trao đổi học thuật thường niên do Sở KH&CN bảo trợ và trực tiếp chỉ đạo thực hiện, hướng đến việc giới thiệu, trao đổi các giải pháp hệ thống thông tin thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tương tác thời gian thực và ứng dụng của các hệ thống này trong các hoạt động triển khai xây dựng một đô thị thông minh (smart city), đô thị hiện đại lấy người dân làm “trung tâm của sự phục vụ”. 

Được biết 4 chương trình gồm: Nghiên cứu xây dựng nền tảng thử nghiệm mở (Open testbed platform); Nghiên cứu mô hình hệ thống dữ liệu mở cùng các công cụ phân tích mạnh nhằm hỗ trợ các ứng dụng về quản lý cũng như khai thác, sử dụng; Nghiên cứu phát triển các ứng dụng trên nền tảng Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các giải pháp bảo mật, an ninh mạng; Phát triển các ứng dụng điển hình cho đô thị thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tiến sĩ Đoàn Xuân Huy Minh - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp ICST, đại diện ban tổ chức cho biết: “Tham gia hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp cung cấp giải pháp trong các ngành công nghệ thông tin, viễn thông, hệ thống thông tin, an toàn thông tin, quản lý đô thị, quản lý nhà nước, giao thông, vận tải, môi trường, y tế…”.

Đây là sự kiện thể hiện tính kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn ứng dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Các tham luận, trao đổi chú trọng vào loạt chủ đề như: Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống - thiết bị vạn vật kết nối (IoT); Hệ thống quan trắc tự động; Các hệ thống tương tác trung gian, kinh nghiệm và kết quả thử nghiệm thực tế hoặc mô phỏng hệ thống trong các lĩnh vực liên quan đến đô thị thông minh. 

Ngoài ra, các nghiên cứu, ứng dụng về mô hình, ứng dụng kỹ thuật phân tích đáp ứng đồng bộ, tối ưu hóa tương tác thời gian thực để giải quyết các vấn đề cụ thể của giao thông, y tế, môi trường. Bên cạnh đó, các vấn đề về kiến trúc phần cứng và phần mềm có liên quan đến tương tác thời gian thực như hạ tầng truyền thông, cấu trúc bộ nhớ chuyên dụng, thiết kế vi mạch tích hợp cho ứng dụng thời gian thực, phần mềm mô phỏng cho các kiến trúc và ứng dụng mới… đều được “cân đo” tại sự kiện này. 

“Hội thảo Smart City 3600 lần này chính là cơ hội giới thiệu cho các trường, viện, trung tâm nghiên cứu nhận ra còn có một thị trường rất lớn về nghiên cứu ứng dụng CNTT trong quản lý chính phủ điện tử và triển khai xây dựng đô thị thông minh”, tiến sĩ Đoàn Xuân Huy Minh nhấn mạnh. 

Từ hoạt động trong những năm qua, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán nhận thấy nếu không có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thì rõ ràng hoạt động nghiên cứu chỉ xoay quanh vấn đề về nghiên cứu lý thuyết. Để ra được thị trường bắt buộc phải bắt tay với doanh nghiệp nhằm xác định lại mục tiêu cũng như nhu cầu của thị trường, rồi từ đó đưa ra những nghiên cứu phù hợp hơn với ứng dụng thực tiễn. Chính vì thế đây không chỉ là dịp để giới chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-VT (ICT) tại TPHCM nói riêng và toàn quốc nói chung cùng nhau trao đổi, thảo luận các giải pháp kết nối, tương tác giữa máy tính - con người và ứng dụng vào các lĩnh vực cụ thể trong quản lý đô thị… mà hoạt động này của Sở KH&CN TPHCM và ICST như đã kích hoạt thị trường để các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp chủ động giới thiệu giải pháp đến các cơ quan quản lý nhà nước cũng như hứa hẹn nhiều sản phẩm công nghệ của viện, trường và doanh nghiệp tham gia vào xây dựng đô thị thông minh.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng (Viện trưởng ICST, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM) cho biết, các nội dung tại Smart City 3600 lần này hướng tới đến Chương trình Nghiên cứu công nghệ thông tin phục vụ đô thị thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, căn cứ trên Kế hoạch số 93 của Sở KH-CN về tổ chức thực hiện 4 chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ mục tiêu giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025.

6 nhóm chủ đề chính tại hội thảo khoa học Smart City lần thứ II năm 2018:
- Chủ đề thứ nhất là về môi trường thông minh, với giải pháp quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí tương tác thời gian thực.
- Chủ đề thứ hai về giao thông thông minh, với hệ thống giám sát điều khiển giao thông.
- Chủ đề thứ ba về quản lý dữ liệu, cụ thể là dữ liệu dựa trên công nghệ blockchain tương tác thời gian thực.
- Chủ đề thứ tư về hệ sinh thái thông tin và các chuyển đổi dữ liệu trong hệ thống IoT
- Chủ đề thứ năm là về y tế thông minh, các tương tác truyền tải dữ liệu trong ngành y tế, đặc biệt là truyền tải hình ảnh khám chữa bệnh
- Chủ đề thứ sáu là về điều khiển chiếu sáng công cộng.

Nguồn: SGGP online

Số lượt đọc: 3040

Về trang trước Về đầu trang