Tin KHCN trong nước
Tọa đàm Đại diện sở hữu công nghiệp với những đổi mới trong hệ thống (27/07/2018)
-   +   A-   A+   In  
Chào mừng 36 năm ngày thành lập Cục Sở hữu trí tuệ, ngày 24/7/2018 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Hội SHTT) tổ chức Tọa đàm “Đại diện sở hữu công nghiệp với những đổi mới trong hệ thống”.

Tham dự Tọa đàm có các Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm và Phan Ngân Sơn, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội SHTT Phạm Nghiêm Xuân Bắc, và hơn 100 đại biểu là lãnh đạo và đại diện của các đơn vị thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, các tổ chức dịch vụ đại diện SHCN trong cả nước.
 

 

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT phát biểu tại Tọa đàm


Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PCT Lê Ngọc Lâm cho biết trong quá trình áp dụng pháp luật SHTT còn có những vấn đề phát sinh, Cục SHTT và Hội SHTT đã cùng phối hợp trao đổi, giải quyết và có các đề xuất để sửa đổi, bổ sung quy định, Tọa đàm năm nay cũng là một trong những cơ hội đó. Một số vấn đề đáng quan tâm đã được Hội đề xuất và trao đổi với Cục để đưa ra thảo luận trong Tọa đàm. Cục mong muốn các đại biểu cùng nhau thảo luận, tìm được tiếng nói chung, để đạt được kết quả thiết thực.

 

Phát biểu về nội dung Tọa đàm, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội SHTT Phạm Nghiêm Xuân Bắc cũng cho biết nội dung của Tọa đàm là những vấn đề mà các hội viên của Hội đang rất quan tâm và hy vọng sẽ tìm được hướng giải quyết tại Tọa đàm lần này và những lần tiếp theo.

 

Tọa đàm năm nay tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn liên quan đến quy trình xác lập quyền SHCN, một số quy định về bảo hộ nhãn hiệu và sáng chế, đây là những vấn đề Hội cho rằng cần được nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật theo hướng thuận lợi hơn cho hoạt động của các hội viên. Các báo cáo viên là những người có kinh nghiệm đến từ các tổ chức đại diện SHCN đã trình bày nội dung liên quan đến các vấn đề trên và đi kèm là những giải pháp được đề xuất, bao gồm: Vấn đề ủy quyền và thời hạn nộp ủy quyền trong đại diện sở hữu công nghiệp (Công ty TNHH Tầm nhìn và Liên danh); Cơ sở pháp lý để từ chối đơn đăng ký dựa trên động cơ không trung thực và bằng chứng chứng minh cho động cơ không trung thực (bad faith) khi nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (Văn phòng Luật sư A Hòa); Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài (Công ty Luật TNHH IP MAX); Từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu dựa trên nhãn hiệu đối chứng đã hết hạn và không sử dụng trong 5 năm (Công ty CP SHTT Bross và Cộng sự); Một số nội dung trao đổi giữa Hội SHTT và Cục SHTT về một số vấn đề pháp lý khi áp dụng Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN như: Xử lý tình tiết mới, hạn chế quyền khiếu nại của người nộp đơn, quy trình xử lý ý kiến người thứ ba… (Công ty Luật TNHH Ambys Hà Nội). Các đại biểu tham dự Tọa đàm rất tích cực trao đổi ý kiến với Cục và có nhiều đề xuất được đưa ra để cùng thảo luận. Cục ghi nhận kiến nghị của đại biểu và sẽ nghiên cứu để đề xuất điều chỉnh quy định pháp luật trong thời gian tới.

 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, PCT Lê Ngọc Lâm đánh giá cao kết quả của Tọa đàm, các nội dung trao đổi đã đạt được sự đồng thuận cao, một số nội dung sẽ được tiếp tục trao đổi trong buổi Tọa đàm tiếp theo. PCT Lê Ngọc Lâm hy vọng các Tọa đàm sắp tới sẽ có nhiều nội dung phong phú hơn, thu hút sự quan tâm của các tổ chức đại diện SHCN hơn nữa. Trong tương lai, khi Cục SHTT nghiên cứu sửa đổi Luật SHTT và các văn bản liên quan rất mong sự góp ý, tham gia của các tổ chức đại diện SHCN để có hệ thống pháp luật đầy đủ, khả thi, hoàn thiện.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4741

Về trang trước Về đầu trang