Tin KHCN trong nước
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững (20/07/2018)
-   +   A-   A+   In  
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức liên ngành của phát triển bền vững, là công cụ quan trọng (cùng với tài chính, thương mại, xây dựng năng lực…) để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Cung cấp các giải pháp phát triển mô hình 
Theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu phát triển trong năm 2017 có năng suất lao động cao hơn 1,78 lần so với các năm trước; các doanh nghiệp áp dụng hệ thống cải tiến năng suất cũng cao gấp 1,7 lần; các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin cao gấp gần 2 lần. Đặc biệt, trong mục tiêu xóa đói, các giống lúa đã được các nhà khoa học tạo ra góp phần giúp Việt Nam chuyển từ một quốc gia thiếu gạo, trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. 

Có thế thấy rằng, nền kinh tế nước ta đã đạt được năng suất cao hơn thông qua đa dạng hóa, đổi mới và nâng cấp công nghệ, thông qua việc tập trung vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Đồng thời giúp tăng cường việc phát triển nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực công nghệ trong các ngành công nghiệp, khuyến khích phát minh và tăng số lượng người làm việc trong lĩnh vực này, tăng kinh phí của Nhà nước và khu vực tư nhân cho nghiên cứu và phát triển. Tăng cường giải pháp công nghệ đảm bảo đẩy đủ và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Tiến Duy cho biết: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ cung cấp các giải pháp phát triển mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hợp tác toàn cầu nhằm nâng cao khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bộ khoa học và Công nghệ đã xây dựng được cơ chế thúc đẩy công nghệ như cơ chế chia sẻ, hợp tác. Đó là sự hợp tác nhiều bên, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thành công và tư vấn chính sách giữa các quốc gia, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân, cộng đồng khoa học,…; cơ chế và hình thức cụ thể gồm các diễn đàn khoa học công nghê và đổi mới sáng tạo; nhóm chuyên gia về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho phát triển bền vững; nền tảng trực tuyến (Online Platform)… 

Tạo ra sự đột phá 

 

 
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (Bạc Liêu) nuôi tôm sinh học 2 giai đoạn áp dụng công nghệ Biofloc, năng suất trung bình đạt 150 - 200 tấn/ha/năm

Phát triển bền vững là cơ hội để phát triển với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (thúc đẩy sự gắn kết khoa học và công nghệ với sự phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ). Theo đó, chú trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với các Bộ, ngành, địa phương nhằm tranh thủ tối đa hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này. 

Những nhu cầu phát triển bền vững đất nước đang đặt ra đối với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo về giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái, cạn kiệt…Vì vậy cần phải quy hoạch, điều tra, dự báo kịp thời. Mặt khác phải đưa ra được các biện pháp ứng phó, sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, nhiên liệu tái tạo, các nguyên liệu thay thế từ tự nhiên; giải quyết vấn đề đô thị hóa, ô nhiễm môi trường; kiểm soát công nghệ lạc hậu từ các thiết bị máy móc đã qua sử dụng… 

Trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam đặt mục tiêu cải thiện khung pháp lý, thể chế và quản lý để phát triển bền vững; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh việc tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ phù hợp với khả năng và định hướng quốc gia. Bên cạnh đó khuyến khích và huy động nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ. 

Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại đã tạo ra sự đột phá về công nghệ trong sản xuất đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên. Trong những năm tới, Nhà nước nên tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên. Cùng với đó là áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ.

Nguồn: TTXVN

Số lượt đọc: 2871

Về trang trước Về đầu trang