Tin KHCN nước ngoài
Nhật Bản: Đào tạo kỹ năng cần cho xã hội siêu thông minh (17/07/2018)
-   +   A-   A+   In  

Cuộc sống và công việc của người dân có thể bị thay đổi bất ngờ trong một xã hội siêu thông minh. Để tồn tại trong một xã hội siêu thông minh với những thay đổi chóng mặt, điều quan trọng là có thể sử dụng mọi thứ để tự giải quyết mọi vấn đề, kể cả những vấn đề phát sinh không lường trước được. Để có được khả năng như vậy, cần có các kỹ năng học tập chắc chắn và một sức khỏe tốt.

Những người trẻ tuổi rất cần một nền giáo dục toàn diện để có thể học tập chuyên sâu hơn trước khi lập nghiệp. Sinh viên nghệ thuật cần được bồi dưỡng thêm về toán học, và các sinh viên chuyên ngành toán, khoa học hoặc kỹ thuật thì cần phải học thêm về khoa học xã hội và nhân văn.

Do một số người dự đoán rằng trí tuệ nhân tạo sẽ vượt qua trí thông minh của con người, chính vì vậy con người càng cần phải nâng cao các phẩm chất và khả năng riêng biệt của mình. Ví dụ như các khả năng và hoạt động sau đây cần được chú trọng trong tương lai, bao gồm khả năng giải quyết các vấn đề gây tranh cãi, khả năng xác định và giải quyết các thách thức; các hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo và tính chuyên nghiệp cao; các hoạt động đòi hỏi tính nhạy cảm, tình cảm và lòng yêu thương. Cụ thể, những phẩm chất và khả năng được liệt kê dưới đây được yêu cầu trong một xã hội siêu thông minh.

- Khả năng, tham vọng và tài lãnh đạo để xác định và giải quyết các vấn đề một cách độc lập;
- Sự sáng tạo, sẵn lòng đảm nhận công việc đầy thách thức, sự kiên trì và tự khẳng định;
- Sự nhạy cảm, tình yêu thương, kỹ năng giao tiếp, và chấp nhận sự đa dạng;

Những điều này được đưa ra bởi Hội đồng Thực hiện Tái thiết Giáo dục Nhật Bản. Bản "Tóm tắt các vấn đề" do Ủy ban đặc biệt về Xây dựng chương trình giảng dạy phát hành nhấn mạnh các nội dung sau:

"Những phẩm chất và khả năng mà trẻ em, những người phát triển xã hội trong tương lai, cần có để đối mặt với thực trạng thế giới và xã hội và sống một cuộc sống độc lập cần dựa trên ba yếu tố quan trọng của giáo dục trường học: kiến thức và kỹ năng; khả năng tư duy, phán đoán và biểu cảm; và thái độ tích cực đối với việc học độc lập". 

Đồng thời, những phẩm chất và năng lực đó có thể được hiểu theo ba điểm chính sau đây:
- Những gì trẻ em biết và có thể làm (kiến thức và kỹ năng của cá nhân)
- Cách trẻ em sử dụng những gì chúng biết và có thể làm (khả năng suy nghĩ, phán đoán và diễn đạt)
- Cách trẻ tương tác với thế giới và xã hội và tạo ra cuộc sống tốt hơn cho bản thân (thái độ đối với học tập và phẩm chất con người)

Thực hiện cải cách giáo dục bền vững hướng tới hiện thực hóa xã hội siêu thông minh

a) Bồi dưỡng kỹ năng sử dụng thông tin trong xã hội siêu thông minh (Đổi mới nội dung giáo dục)
Trẻ được kỳ vọng sẽ chú trọng hơn tới việc triển khai những nghiên cứu vượt trội hoặc quản lý công nghệ khi suy tính về sự nghiệp tương lai trong một xã hội siêu thông minh với tốc độ lan tỏa thông tin nhanh chóng. Trong việc này, các nỗ lực cần được thực hiện để khuyến khích trẻ học toán và khoa học cũng như kích thích sự quan tâm của trẻ đối với những môn học này. Sự phát triển nhanh chóng của CNTT là yếu tố khiến cho lĩnh vực công nghệ cao trở nên quen thuộc với trẻ em, do vậy trẻ em phải có kiến thức khoa học cần thiết để hiểu và sử dụng các công nghệ này.

Theo quan điểm này, nhiều nỗ lực đã và đang được thực hiện để sửa đổi Khung tiêu chuẩn Chương trình giảng dạy Quốc gia theo nguyên tắc cơ bản là tiến tới "một chương trình giảng dạy mở cho công chúng". Những sửa đổi này bao gồm các cải tiến về phương pháp học tập và đào tạo từ quan điểm học tập tích cực, tăng cường quản lý chương trình giảng dạy, xem xét các môn học và khóa học.

Nhằm nâng cao kỹ năng của trẻ em trong việc sử dụng thông tin hướng tới hiện thực hóa xã hội siêu thông minh, môi trường CNTT tại trường học cần được cải thiện bằng cách trang bị máy tính bảng cho từng học sinh, các thiết bị hiển thị lớn như bảng phấn điện tử, camera và mạng LAN không dây. Ngoài ra, giáo viên cũng cần trau dồi các kỹ năng CNTT để tận dụng môi trường CNTT tại trường tạo thuận lợi cho giáo dục. Hơn nữa, cần bảo đảm lực lượng nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, sinh viên sau đại học và các nguồn nhân lực bên ngoài có kỹ năng CNTT, đào tạo họ thành đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật và giao cho họ các công việc liên quan đến CNTT theo nhu cầu của trường học.

b) Sử dụng CNTT để đổi mới môi trường học tập (đổi mới kỹ thuật giáo dục)
"Đề xuất Dự thảo lần 7: Những phẩm chất và khả năng cần thiết trong thời đại tới, và giáo dục và giáo viên bồi dưỡng những phẩm chất và năng lực này" do Hội đồng Thực hiện Tái thiết Giáo dục ban hành vào tháng 5 năm 2015 nêu rõ: nội dung giáo dục và kỹ thuật cần phải được đổi mới mạnh mẽ thông qua các mục dưới đây để thấm nhuần những phẩm chất và khả năng nói trên.

- Tăng cường học tập tích cực, và thiết lập một hệ thống giáo dục tương đương với các hệ thống ở các nước tiên tiến khác; 
- Sử dụng CNTT để đổi mới môi trường học tập và phát triển các kỹ năng sử dụng thông tin; 
- Nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh và sức mạnh của sự sáng tạo để tạo ra giá trị mới; và 
- Tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng xuất sắc.

Theo “Tóm tắt các vấn đề” do Ủy ban Đặc biệt về Xây dựng kế hoạch giảng dạy Nhật Bản công bố, để đảm bảo rằng học sinh có thể có được những phẩm chất và khả năng cần thiết thì các phương pháp học tập và giảng dạy cần được cải thiện trên cơ sở ba điểm chính của học tập tích cực : "Học tập sâu", "học tập thoại" và "học tập tự nguyện".

Trong số các phương pháp đổi mới nội dung và công nghệ giáo dục kể trên, trọng tâm dưới đây thuộc mục 2 vì nó được kỳ vọng sẽ có những tác động đổi mới lớn trong một xã hội siêu thông minh.

Khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOC)
Ngày càng có nhiều trường đại học và cao đẳng hàng đầu trên thế giới cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOC) với một loạt các môn học. MOOC đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới khi Đại học Stanford cung cấp ba khóa học thử nghiệm miễn phí cho công chúng. Khóa học "Giới thiệu về Trí tuệ nhân tạo" đã thu hút hơn 160.000 người từ khắp nơi trên thế giới đăng ký tham gia. Điều này cho thấy tiềm năng của các dịch vụ này có thể vượt qua vấn đề biên giới địa lý và thu hút những học viên giỏi với khát khao kiến thức nâng cao.

Năm 2013, các khóa học Khóa học đại trà trực tuyến mở ở Nhật Bản (JMOOC) đã được triển khai để thúc đẩy việc sử dụng các MOOC ở Nhật Bản. Tháng 3/2015, Trung tâm Trao đổi Học thuật về Môi trường và Chiến lược thông tin (AXIES) đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát về việc sử dụng MOOC với bốn trường đại học quốc gia và 15 trường đại học dân lập đã xây dựng và cung cấp nội dung khóa học MOOC. Có 54 trường học (18 trường đại học quốc gia, 30 trường đại học tư thục, 2 trường đại học công lập, 4 trường cao đẳng hoặc cao đẳng kỹ thuật) đang có kế hoạch xây dựng và cung cấp nội dung khóa học MOOC.

Sự gia tăng MOOC và những hình thức khóa học trực tuyến khác trên thế giới đã giúp phát triển nền tảng cho những người có thể hưởng lợi từ nền giáo dục tốt. Những khóa học này thu hút những học viên xuất sắc với mong muốn có được kiến thức nâng cao vượt mọi biên giới. Việc sử dụng hiệu quả các khóa học này được kỳ vọng sẽ tiếp tục quá trình giáo dục. Trong xã hội siêu thông minh, những chuyên môn cần thiết trong các ngành sản xuất sẽ đa dạng hơn hiện nay. Trong kết nối này, các khóa học trực tuyến có sẵn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, dự kiến sẽ được sử dụng hiệu quả bởi các chuyên gia chuyên cập nhật về an ninh thông tin, công nghệ tiên tiến và cải cách hệ thống.

Học tập tối ưu và tùy chỉnh (học tập thích nghi)
Trong phương pháp học tập thích nghi, dữ liệu về các câu trả lời đúng hoặc sai của học viên sẽ được thu thập và đối chiếu dưới dạng dữ liệu lớn. Trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích khả năng của người học từ việc đưa ra câu trả lời sai và dự đoán những kiến thức và kỹ năng mà người học cần có. Dựa trên phân tích và phán đoán này, nội dung học tập tối ưu sẽ được tự động xây dựng và cung cấp cho người học. Học tập thích ứng đặc biệt phù hợp với các môn học cần ghi nhớ. Học viên học bằng cách lặp lại các quy trình định trước để giải quyết các vấn đề và có câu trả lời. Ngược lại, học tập thích nghi không phải là một phương pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề với nhiều đáp án vì người học sẽ phải suy nghĩ từ một quan điểm đa phương thông qua thảo luận và tranh luận.

Do vậy, phương pháp học tập thích nghi phù hợp các môn học đề cao sự tiếp thu kiến thức và khả năng ghi nhớ đóng vai trò rất quan trọng. Với phương pháp này, người học có thể sử dụng thời gian một cách hiệu quả. Hy vọng rằng phương pháp giáo dục dựa trên tranh luận và tư duy sáng tạo sẽ được đầu tư nhiều thời gian hơn so với trước đây, vì đây là những yếu tố cần thiết giúp Nhật Bản sánh vai với các nước tiên tiến khác trong làn sóng toàn cầu hóa.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 3447

Về trang trước Về đầu trang