Tin KHCN trong nước
Cơ sở dữ liệu Quốc gia về KH&CN: Minh bạch hóa hoạt động KH&CN (07/06/2018)
-   +   A-   A+   In  
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) về KH&CN không chỉ để các nhà quản lý khoa học và nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận thông tin mà còn giúp minh bạch hóa hoạt động KH&CN, chấm dứt tình trạng cát cứ dữ liệu nghiên cứu khoa học ở các đơn vị, bộ, ngành hiện nay.

Ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Ảnh: Bảo Như.
 

Báo Khoa học và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASATI), Bộ KH&CN về vấn đề này.

 

Hiện nay nhiều nhóm nghiên cứu khoa học chia sẻ rằng, việc tiếp cận các dữ liệu về nghiên cứu, quản lý KH&CN khá là khó khăn, thường phải tới trực tiếp NASATI để đọc hoặc phải tới chính cơ quan nghiên cứu để “xin đọc” các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, cấp Quốc gia nhưng không phải khi nào cũng dễ dàng được các cơ quan nghiên cứu đó cung cấp. Vậy CSDL quốc gia về KH&CN sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào?

 

Lần đầu tiên việc xây dựng CSDL quốc gia về KH&CN được quy định một cách có hệ thống tại Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về Hoạt động thông tin KH&CN và Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN ngày 28/6/2017 của Bộ KH&CN về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, duy trì và phát triển CSDL quốc gia về KH&CN với 10 CSDL thành phần, tức là bộ dữ liệu thông tin về: các tổ chức KH&CN; cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; nhiệm vụ KH&CN; công bố khoa học và chỉ số trích dẫn khoa học; thống kê KH&CN; công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; thông tin về khoa học và công nghệ trong khu vực và trên thế giới; doanh nghiệp KH&CN; thông tin sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

 

Sau khi được xây dựng và hoàn thiện, các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân có thể tìm thấy đầy đủ thông tin về các vấn đề nêu trên. Chẳng hạn, đối với Cơ sở dữ liệu về Nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sẽ có các thông tin về: tên nhiệm vụ, cơ quan tổ chức chủ trì, tổ chức phối hợp triển khai, cơ quan chủ quản; chủ nhiệm nhiệm vụ và các cá nhân tham gia chính; phương pháp nghiên cứu; thông tin về kết quả, sản phẩm; kinh phí thực hiện; tình trạng nhiệm vụ (đang tiến hành hay đã kết thúc, đã được ứng dụng chưa); địa chỉ và quy mô ứng dụng; hiệu quả ứng dụng và tác động đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Hoặc cơ sở dữ liệu về Công bố khoa học và chỉ số trích dẫn khoa học, trong đó có thông tin nhan đề; mô tả nội dung, chủ đề; tài liệu tham khảo; thông tin về chỉ sổ trích dẫn khoa học; toàn văn hoặc liên kết tới nguồn toàn văn của công bố khoa học...

 

Vậy theo ông, việc xây dựng và hoàn thiện CSDL quốc gia về KH&CN sẽ mang lại những tác động tích cực gì cho công tác quản lý và hoạt động KH&CN ở Việt Nam?

 

Thứ nhất, thông tin từ CSDL quốc gia về KH&CN là nguồn thông tin chính thức để phục vụ công tác hoạch định chiến lược, chính sách, quản lý và điều hành hoạt động KH&CN của các bộ, ngành, địa phương.

 

Thứ hai, thông tin từ CSDL quốc gia về KH&CN sẽ là nguồn thông tin tham khảo chính thức và quan trọng phục vụ các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN nói chung, nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ.

 

Thứ ba, hệ thống CSDL quốc gia về KH&CN góp phần minh bạch hóa việc tài trợ công cho hoạt động nghiên cứu triển khai cũng như kết quả của hoạt động này. Việc công khai các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN (bao gồm kết quả của các nhiệm vụ đã triển khai và các nhiệm vụ đang triển khai) sẽ bảo đảm khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp các nhiệm vụ KH&CN gây lãng phí nguồn lực; đồng thời chấm dứt tình trạng “đạo văn” trong nghiên cứu khoa học hoặc cho phép thực hiện những nhiệm vụ không có ý nghĩa lý luận và thực tiễn chủ yếu là để tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho cán bộ nghiên cứu, qua đó sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu triển khai và hiệu quả sử dụng NSNN đầu tư cho KH&CN.
 

 

Phòng thí nghiệm cơ khí tại trường Đại học Thành Tây. Ảnh tư liệu ĐHTT.
 

Hiện nay NASATI đang có những cơ sở dữ liệu KH&CN gì?

 

Việc xây dựng CSDL về KH&CN đã được NASATI tiến hành từ năm 1987 với 02 cơ sở dữ liệu chính là Nhiệm vụ KH&CN và Công bố KH&CN Việt Nam. Đến nay đã hình thành được CSDL về nhiệm vụ KH&CN với trên 25.000 nhiệm vụ các cấp đã thực hiện; trên 4.000 nhiệm vụ đang thực hiện và khoảng 1.000 nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng vào thực tiễn; CSDL về công bố KH&CN với trên 240.000 bài báo khoa học tập hợp từ 236 tạp chí KH&CN (chiếm khoảng 70% tổng số tạp chí KH&CN trong cả nước).

 

Ngoài ra, NASATI cũng cung cấp quyền truy cập vào CSDL của các nhà xuất bản lớn trên thế giới như các CSDL: Science@Direct, SpringerLink, Proquest Central...

 

Chúng tôi được biết NASATI mới được Bộ giao thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống trao đổi và tích hợp các CSDL của Bộ KH&CN”, ông có thể chia sẻ về dự án này không?

 

Hiện nay, ngoài CSDL về KH&CN đang có tại NASATI còn có các CSDL chuyên ngành của các đơn vị khác thuộc Bộ như Cục Sở hữu Trí tuệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN… Vì thế, để khắc phục tình trạng cát cứ về thông tin KH&CN, bảo đảm công khai, minh bạch về thông tin KH&CN, đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thông tin KH&CN phục vụ hoạt động nghiên cứu triển khai và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ, Lãnh đạo Bộ đã giao NASATI chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống trao đổi và tích hợp các CSDL của Bộ, thực hiện trong 2 năm 2018 và 2019. Sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của lãnh đạo Bộ, NASATI đang tiến hành các thủ tục tiếp theo theo quy định của pháp luật.

 

Được biết, NASATI đang thực hiện dự án “Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường KH&CN và đổi mới sáng tạo” (FIRST-NASATI), vậy dự án FIRST - NASATI có vai trò gì trong việc xây dựng CSDL quốc gia về KH&CN?

 

Cuối năm 2016, NASATI nhận được tài trợ của Dự án FIRST để thực hiện tiểu dự án FIRST-NASATI, với nguồn vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới, trong khuôn khổ Tiểu dự án có nội dung xây dựng CSDL quốc gia về KH&CN. Đến nay đã tổ chức Hội thảo về Xây dựng CSDL quốc gia về KH&CN với sự tham dự và đóng góp ý kiến, kinh nghiệm của nhiều chuyên gia ở trong và ngoài nước; thuê đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc mô hình CSDL, nội dung CSDL, định hướng nền tảng công nghệ cơ bản của mô hình CSDL và đề xuất phương án triển khai. Tuy nhiên, do công tác đấu thầu bị chậm nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hạng mục của Tiểu dự án.

 

Hiện nay, NASATI đang tích cực triển khai các nhiệm vụ trên tinh thần tận dụng tối đa nguồn lực của Tiểu dự án để xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về KH&CN bảo đảm hiện đại và đồng bộ, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy, việc xây dựng CSDL quốc gia nói chung, về KH&CN nói riêng cũng cần có thời gian, sự đầu tư thích hợp và việc không ngừng nâng cấp, hoàn thiện về công nghệ.

 

Vậy ông có đề xuất giải pháp gì về công tác phối hợp để nâng cao hiệu quả việc xây dựng và hoàn thiện CSDL về KH&CN không?

 

Nghị định số 11/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN và Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN đã quy định nội dung và trách nhiệm của các bộ, cơ quan, đơn vị, đầu mối thông tin KH&CN trong việc tạo lập, cập nhật, phát triển và hoàn thiện CSDL quốc gia về KH&CN, trong đó NASATI là đơn vị chịu trách nhiệm đầu mối quản lý, vận hành CSDL quốc gia về KH&CN. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực đôn đốc và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về KH&CN. Tuy nhiên, cũng cần có chế tài xử lý thích hợp đối với những tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc trách nhiệm xây dựng CSDL quốc gia về KH&CN đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn: Báo KH&PT

Số lượt đọc: 4687

Về trang trước Về đầu trang