Trong buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Giáo sư - Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, báo cáo những thành tựu Viện đã đạt được trong thời gian gần đây. Theo đó, trong 10 năm qua, Viện luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, đến nay đã đạt trên 2.000 công bố/năm. Số lượng các công trình công bố quốc tế của Viện đạt tiêu chuẩn ISI luôn dẫn đầu và chiếm tỷ trọng lớn trong số lượng công bố quốc tế của cả nước.
Đặc biệt 2 trung tâm quốc tế dạng II về toán học và vật lý tại Viện Toán học và Viện Vật lý đã được UNESCO công nhận và bảo trợ từ năm 2016.
Về khoa học ứng dụng, chỉ tính riêng năm 2017, Viện được cấp 20 bằng độc quyền sáng chế và 20 bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Viện cũng đã thành công trong việc làm chủ vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSAT-1; lắp đặt 2 kính thiên văn quang học đầu tiên của Việt Nam; chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon; chế tạo và thử nghiệm thành công máy bay không người lái...
Chủ tịch Quốc hội thăm gian hàng Viện Công nghệ vũ trụ. Ảnh: Hoàng Phượng
Giáo sư - Viện sĩ Châu Văn Minh cũng nêu một số khó khăn Viện đang gặp phải như: Cơ chế, chính sách đối với hoạt động KH&CN vẫn còn mặt hạn chế, bất cập; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu KH&CN còn thiếu, chưa đồng bộ; đặc biệt việc thu hút cán bộ khoa học trẻ tài năng trong giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn do điều kiện làm việc, cơ chế chính sách chưa đủ tạo hấp dẫn đối với các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ, trong khi lứa cán bộ vàng những thập kỷ 1970 - 1980 đã đến tuổi nghỉ hưu.
Đồng tình với ý kiến của Giáo sư - Viện sĩ Châu Văn Minh, PGS-TS Chu Hoàng Hà - Viện trưởng Viện Sinh học, cho biết, hiện nay do các quy định về quỹ lương, biên chế nên khó thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao làm việc lâu dài hoặc giữ được cán bộ, cũng như xây dựng lực lượng cán bộ khoa học nguồn. "Thậm chí, một số cán bộ khoa học có chuyên môn cao và nhiều cán bộ trẻ sau khi được đào tạo ở nước ngoài có xu hướng không quay về Viện làm việc".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại cuộc gặp. Ảnh: Hoàng Phượng
Trước các ý kiến của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương và ghi nhận những những thành tích xuất sắc của Viện, đồng thời đề nghị Viện cần đẩy mạnh việc ứng dụng triển khai những kết quả nghiên cứu, thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra rằng, mặc dù ngân sách nhà nước hằng năm chi cho KH&CN là 2% trên tổng chi thường xuyên nhưng trên thực tế chưa năm nào thực hiện hết 2% này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp với các cơ quan liên quan có một đánh giá về vấn đề này. Đây cũng là vấn đề đã từng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề trong nhiệm kỳ 13, nhưng đến nay chưa có gì thay đổi. Trong khi đó, các viện vẫn thiếu trang thiết bị cơ sở vật chất cần thiết để nghiên cứu - Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết sẽ đi thực tế một số đơn vị nghiên cứu và đề nghị không đưa đến những chỗ to đẹp đàng hoàng, mà sẽ đến chỗ đang yếu, đang thiếu về cơ sở vật chất.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN của Viện; tạo môi trường cho các nhà khoa học cống hiến, sáng tạo; đẩy mạnh chương trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực có thế mạnh như toán học, vật lý, sinh học, khoa học sự sống, khoa học trái đất; chú trọng phát triển các lĩnh vực có tính ứng dụng cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng hợp tác công nghệ tầm quốc gia.
"Tôi đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định cho phù hợp nhằm đáp ứng kịp thời mọi khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học yên tâm cống hiến" - Chủ tịch Quốc hội nói.
* Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, sau khi rời Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.