Tin KHCN trong nước
Tạp chí về vật liệu tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt chuẩn Scopus (21/04/2018)
-   +   A-   A+   In  

Journal of Science: Advanced Materials and Devices (Tạp chí khoa học: Vật liệu và Thiết bị tiên tiến - JSAMD) của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa được chấp nhận vào hệ thống danh mục Scopus.

Trước đó, JSAMD đã được đưa vào hệ thống danh mục Web of Science.

Đây là chuyên san được xuất bản 4 kỳ/năm, mỗi kỳ dày 120 trang, với hội đồng biên tập gồm 31 nhà khoa học, trong đó 23 nhà khoa học nước ngoài và được cố vấn bởi GS S.Bland - Tổng biên tập Tạp chí Material Today (IF=14). GS-TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, là Tổng biên tập, PGS-TS Phan Mạnh Hưởng - giảng viên Đại học Nam Florida (Mỹ), là Trưởng ban biên tập của tạp chí.

Tạp chí xuất bản số đầu tiên vào tháng 3/2016 và được phát hành trên hệ thống Science Direct của Nhà xuất bản Elsevier.

JSAMD có chức năng công bố các công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực vật liệu và linh kiện điện tử, bao gồm: Vật liệu sinh học, vật liệu xanh, vật liệu năng lượng, siêu vật liệu biến hóa, vật liệu nano và composite, các vật liệu thông minh (bao gồm vật liệu từ và điện môi), vật liệu bán dẫn, vật liệu siêu dẫn, linh kiện và ứng dụng...

Chia sẻ với Khoa học và Phát triển, PGS-TS Phan Mạnh Hưởng cho biết, số lần được trích dẫn của tạp chí tăng rất nhanh: chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, số lần được trích dẫn đã gần bằng con số của cả năm 2017 và tăng khoảng 7 lần so với năm 2016. Đặc biệt, có một bài báo trong vòng một năm đã được trích dẫn 24 lần.

Theo PGS Hưởng, trong thời gian tới, tạp chí tiếp tục nâng cao chất lượng các bài báo để tăng lượng trích dẫn, đồng thời tăng cường quảng bá để các tác giả và cộng đồng thế giới biết đến và đóng góp bài nhiều hơn. Hiện tạp chí đã công bố 141 bài báo từ hơn 30 quốc gia trên thế giới như: Ấn Độ (49 bài), Việt Nam (35), Mỹ (13), Nhật Bản (12), Pháp (8), Trung Quốc (6), Ba Lan (4), Iran (4), Anh (3), Hà Lan (3), Brazil (3), Algeria (3).

"Đặc biệt, tới đây, tạp chí có thể sẽ giảm thời gian từ khi nhận bài, phản biện đến chấp nhận đăng bài xuống còn 2 tuần đối với những nghiên cứu mới có tính đột phá, nổi bật (thường thời gian để một bài báo được chấp nhận và đăng online là từ tháng rưỡi đến 3 tháng). Với lợi thế là tạp chí mở, cách làm này giúp các tác giả đưa thông tin khoa học đến cộng đồng nhanh nhất và có thể tạo thêm sức hút đối với các nhóm nghiên cứu xuất sắc", PGS Hưởng nói.

Nguồn: KH&PT

Số lượt đọc: 4423

Về trang trước Về đầu trang