Tin KHCN trong nước
Khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới (29/01/2018)
-   +   A-   A+   In  
Theo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-7-2018 có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu nhập vào Việt Nam.

Đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho thấy, vòng đời của một công nghệ khoảng 10 năm, sau đó sẽ có một thế hệ công nghệ mới ra đời thay thế, nhằm tăng năng suất và hiệu quả cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ở Việt Nam, mức độ sử dụng các thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến hơn 50% tổng số thiết bị, thiết bị hiện đại chỉ khoảng 10%. Các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, lẻ thì mức độ sử dụng thiết bị lạc hậu lên đến hơn 70%.

Trong bối cảnh hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu đã tạo ra sức ép cạnh tranh, buộc doanh nghiệp không ngừng đổi mới công nghệ. Nhưng tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ tiềm lực để mua máy móc, thiết bị đắt tiền, hiện đại mà chỉ có thể nhập máy móc cũ từ các nước phát triển hoặc những máy mới nhưng rẻ tiền, hiệu quả không cao. Việc sử dụng các thiết bị quá cũ trong sản xuất dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng thấp hơn, gián tiếp sinh ra nước thải, khí thải do tiêu hao năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy, một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) chưa theo kịp xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, KH&CN. Các quy định về phát triển thị trường công nghệ chưa bao trùm được đầy đủ các vấn đề đó là tổ chức trung gian, nguồn cung công nghệ, nguồn cầu công nghệ. Chính sách mở trong quản lý hợp đồng CGCN cũng đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với quá trình tiếp nhận công nghệ chuyển giao. Ngoài ra, việc xem xét công nghệ trong dự án đầu tư chưa được quy định đầy đủ, tạo nên sự lỏng lẻo trong quản lý, kiểm tra, giám sát về công nghệ trong quá trình đầu tư và triển khai dự án... Chính vì vậy, Luật CGCN (sửa đổi) có nhiều quy định mới tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.

Theo TS Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN), để ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, Luật CGCN (sửa đổi) đã quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trong đó bổ sung thêm loại dự án phải thẩm định công nghệ khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, đó là những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Ngoài ra, trong Luật CGCN (sửa đổi) còn quy định nội dung bắt buộc trong thẩm định dự án đầu tư là phải có ý kiến về công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư cũng được tăng cường nhằm ngăn chặn, hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu. Cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế để rà soát công nghệ nhập khẩu, tránh trùng lắp, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Luật cũng đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như: Giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân… Đồng thời, Luật CGCN (sửa đổi) đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ như: Đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển KH&CN của mình để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo. Quy định này giúp các doanh nghiệp, tập đoàn có thể mở rộng nội dung nhằm tối ưu hóa việc sử dụng cũng như giải quyết vướng mắc về nội dung chi của quỹ cho hoạt động KH&CN.

Luật CGCN (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững của đất nước.

Nguồn: Báo nhân dân

Số lượt đọc: 4672

Về trang trước Về đầu trang