Tin KHCN trong nước
Chính thức khởi động Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá” (10/01/2018)
-   +   A-   A+   In  
Đúng 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 01/01/2018, tại Hà Nội, Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá” đã được chính thức khởi động với mục tiêu “Chia sẻ tri thức-Hướng tới cộng đồng-Cổ vũ sáng tạo-Vì tương lai Việt Nam”.

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội; ông Lê Quốc Phong, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp; cùng đại diện những thành viên tình nguyện tham gia xây dựng đề án ngay từ những ngày đầu tiên và những đơn vị cam kết đồng hành, gắn bó lâu dài xây dựng Hệ tri thức Việt.
 

Phát biểu tại Lễ khởi động Hệ tri thức Việt số hoá, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Bác Hồ đã từng nói “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Mà yếu thì tụt hậu dễ bị lệ thuộc. Vì vậy, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, toàn xã hội, nhân dân Việt Nam đã tham gia phong trào "Bình dân học vụ" để dạy chữ, học chữ, xoá mù chữ, diệt “giặc dốt”. “Một quốc gia chỉ có thể mạnh nếu khơi dậy được khát vọng và sự sáng tạo, nâng cao dân trí, tăng cường được tiềm lực KHCN. Mỗi một người bất kể trình độ hiểu biết ở mức nào cũng đều cần và đều hoàn toàn có thể cùng nhau, giúp nhau tìm hiểu tri thức, tạo ra tri thức, cống hiến tri thức bằng nhiều cách. Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá là một cách hiệu quả trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Phó Thủ tướng khẳng định. 

Trước tầm nhìn và ý tưởng của Hệ tri thức Việt số hoá nhằm xây dựng một xã hội tri thức phát triển, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự tham gia tích cực của mọi tổ chức, cá nhân: “Mọi tổ chức, cá nhân trước hết là lớp trẻ, đội ngũ trí thức, cộng đồng công nghệ thông tin hãy cùng chung tay phát triển Hệ tri thức Việt số hóa. Hãy cùng nhau khơi dậy, lan tỏa tinh thần ham học hỏi, ý thức cộng đồng, khí thế “Bình dân học vụ” trên không gian mạng, trong toàn xã hội để góp phần phổ biến, sáng tạo tri thức, nâng tầm trí tuệ Việt Nam”.

Dẫn chứng từ những cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang đối mặt trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã khẳng định tính thiết thực của Đề án: “Việc tạo lập, chia sẻ, khai thác và sử dụng Hệ tri thức Việt số hóa một cách sâu rộng trong xã hội là tiền đề để nâng cao trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân, năng lực đổi mới sáng tạo ở các ngành, các lĩnh vực trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017. Đề án Hệ tri thức Việt số hoá ra đời từ thực tế trên không gian mạng Internet có lượng tài liệu là khổng lồ nhưng không phải văn bản nào cũng đáng tin cậy. Nhiều tư liệu đáng giá, những tri thức của nhân loại chưa được dịch sang tiếng Việt. Một số tư liệu quý chưa được sắp xếp có hệ thống để tra cứu thuận tiện ở mọi lúc, mọi nơi. Đó rõ ràng chưa phải là điều kiện lý tưởng để xây dựng một xã hội học tập suốt đời, phổ biến những tri thức khoa học công nghệ của thời đại đến toàn dân… Đề án đặt mục tiêu xây dựng hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của mọi người dân.

Được hiện thực hóa tại https://itrithuc.vn, Hệ tri thức Việt số hóa hứa hẹn sẽ tạo ra một hệ sinh thái toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, IoT, trí thông minh nhân tạo..., đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực từ khoa học, giáo dục, giao thông, tài chính, sản xuất, y tế… Đây chính là nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn, thực tiễn cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Cấu trúc Hệ tri thức Việt số hóa bao gồm bốn hợp phần chính tạo nên một hệ sinh thái đa dạng lần đầu tiên được phát triển tại Việt Nam: 

Hợp phần Dữ liệu mở: Tập hợp các thông tin và dữ liệu công bố công khai các các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Hợp phần Hệ tri thức: Tập hợp tri thức của thế giới được dịch sang tiếng Việt và tri thức của người Việt Nam được hệ thống hóa và được cấu trúc tạo thuận lợi cho người dân học tập, nghiên cứu ở các trình độ khác nhau. 

Hợp phần Ngân hàng hỏi đáp: Nơi mọi người đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời tin cậy từ nhiều nguồn thông tin, cho phép người dùng tương tác với nhiều mạng xã hội và diễn đàn khác nhau. 

Hợp phần Kho ứng dụng: Do các doanh nghiệp và cá nhân phát triển trên nền tảng kho dữ liệu khổng lồ của Hệ tri thức Việt số hóa và sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để tạo ra các giá trị gia tăng đáp ứng các yêu cầu đa dạng của người dùng.

Các thông tin, hoạt động và kết quả phát triển của Hệ tri thức Việt số hoá và cách thức tham gia, khai thác sẽ thường xuyên được cập nhật tại địa chỉ website: https://itrithuc.vn. Đầu số 1001 miễn phí trên mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone: Bất cứ ai, ở nơi đâu, vào lúc nào cũng có thể đặt câu hỏi tìm hiểu tri thức trên Hệ tri thức Việt số hóa.

Là một trong những đơn vị tình nguyện tham gia Đề án đầu tiên, Viettel đang hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ cũng như đóng góp nguồn kiến thức lớn trong lĩnh vực liên quan. Chỉ trong vòng 6 tháng, hàng chục kỹ sư của Viettel từ hai miền Bắc Nam đã nỗ lực triển khai. Nhiều phiên bản cập nhật của Hệ tri thức Việt số hoá với những lần thay đổi nhằm mang đến giải pháp hiện đại và thuận tiện hơn cho người sử dụng.

 

Sau lễ khởi động, đại diện các tổ chức, cộng đồng và cá nhân ký kết đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hoá

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã kêu gọi các bên cùng chung tay xây dựng Hệ tri thức Việt số hoá: “Tri thức được sinh ra trong một hoàn cảnh cụ thể và vì thế nó có giá trị trong một hoàn cảnh cụ thể. Đó là lý do, người Việt Nam cần tự tay xây dựng hệ tri thức Việt Nam. Thời đại ngày nay, khó nhất là việc phát hiện vấn đề. Một câu hỏi đúng đôi khi có giá trị hơn cả một câu trả lời. Bởi vậy, hệ tri thức Việt Nam ghi nhận sự đóng góp ngay từ những người đặt câu hỏi. Hệ tri thức Việt Nam được xây dựng bởi cả những người chưa biết”.

Cũng tại lễ khởi động, đại diện hàng loạt các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, đại diện các tỉnh thành, đơn vị giáo dục, nghiên cứu, doanh nghiệp viễn thông, công ty khởi nghiệp, diễn đàn mạng xã hội, ngân hàng và cả các cá nhân cũng đã tình nguyện tham gia đăng ký cam kết sẽ đóng góp xây dựng dự án. Sự hợp nhất chung từ các thành phần, tổ chức từ nhiều lĩnh vực đa dạng trong xã hội đã minh chứng cho sức hút của dự án cũng như khát vọng mang lại một nền tri thức toàn diện, hiện đại, tổng hợp cho người Việt từ chính nỗ lực của người Việt.
 

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 4599

Về trang trước Về đầu trang