Tin KHCN trong nước
Hệ sinh thái khởi nghiệp đã có, cần thực thi hiệu quả (20/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Để nhân rộng hơn hệ sinh thái khởi nghiệp, DN cần cơ quan quản lý giúp sức, tạo bệ đỡ cho hiệu quả thực thi, giúp nâng cao số lượng DN khởi nghiệp thành công.

Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian gần đây, phong trào khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo đang được các bạn trẻ đón nhận và triển khai sôi động, tích cực trên cả nước. Ngoài sự thành công của một số DN điển hình thuộc thế hệ thứ nhất, thì thế hệ thứ ba là thế hệ DN nổi bật trong 2-3 năm gần đây trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục,nông nghiệp, công nghệ tài chính, thương mại điện tử,giải trí, truyền thông.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Việt Nam đang có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm cho DN khởi nghiệp, cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã có đầy đủ các thành phần cho sự phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế hệ sinh thái khởi nghiệp còn chưa thực sự phát huy được tiềm năng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp vẫn đang hoạt động rời rạc mà chưa có sự gắn kết, thiếu các cơ chế để huy động và phát triển các tiềm năng của hệ sinh thái.

Chia sẻ về khó khăn của DN khởi nghiệp, TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội - BK Holdings cho rằng, các DN khởi nghiệp đang trong giai đoạn “bơi lội hố tử thần”, khó khăn lớn nhất không phải về vốn mà là vấn đề đầu tư từ đâu.

“Chúng ta không thể bắt chước bất kể mô hình nào trên thế giới mà chỉ là sự học hỏi. Bởi hạt giống của chúng ta không giống như bất kể mô hình nào trên thế giới. Ví dụ như ở Israel thì đa số các starup đều là các kỹ sư đã có kinh nghiệm ít nhất là 5 năm đi làm nên khi họ khởi nghiệp sự thành công cao hơn rất nhiều. Trong khi các starup ở Việt Nam lại hầu hết là các sinh viên nên tỷ lệ thất bại là khá cao” , ông Dũng nói.

Do đó, các DN và đại biểu tham dự diễn đàn đều nhất trí cho rằng, các cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế pháp lý, tạo thuận lợi để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển đúng nghĩa.

Theo ông Trần Trí Dũng, Cố vấn Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program, SwissEP), nhìn vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và so sánh với thế giới thì đều giống nhau, ở Việt Nam có hết. Vấn đề là chúng ta liên kết và vận hành với nhau như thế nào cho hiệu quả. Khi phát triển hệ sinh thái, mọi người đang có tư tuy là làm hết tất cả của một hệ sinh thái. Đây là điều cực kỳ khó, chúng ta cố gắng chỉ tập trung vào việc chúng ta làm được tốt nhất thôi.

"Là đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, tôi mong muốn các cơ quan, bộ, ngành có những tác động cổ vũ chung cho hệ sinh thái nhưng cũng cần chọn lọc. Chúng ta cần những câu chuyện thành công ở Việt Nam", ông Trần Trung Dũng nhìn nhận.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, Chủ tịch LP Group cho rằng, khi chúng ta đã có chính sách rồi thì câu chuyện thực thi phải cao lên. Vì thế, ông Lộc kiến nghị cần nhanh chóng ban hàng thông tư hướng dẫn Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; cần thực thi chính sách trong tính thống nhất; trao và khuyến khích cho các địa phương cơ chế chủ động trong hỗ trợ DN khởi nghiệp; cơ chế vốn và tín dụng cần thông thoáng, cần tư nhân hóa giúp những quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần có cơ hội hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả.

Nguồn: Báo hải quan

Số lượt đọc: 3015

Về trang trước Về đầu trang