Tin KHCN trong nước
Tích cực áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử (07/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Theo Ban Cơ yếu Chính phủ, đến nay, đã có nhiều Bộ, ngành và địa phương tích cực áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Cụ thể, qua số liệu tổng hợp, khảo sát và kết quả công tác kiểm tra đánh giá của Ban Cơ yếu Chính phủ, việc ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cung cấp đã phát huy hiệu quả trong công tác điều hành tác nghiệp và trao đổi văn bản điện tử tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Việc áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử đạt tỷ lệ cao (có nhiều cơ quan đạt trên 95%), tiêu biểu là Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông...

Tại các địa phương, tỷ lệ văn bản điện tử áp dụng chữ ký số trên tổng số văn bản điện tử trao đổi trên môi trường mạng đạt cao, điển hình là các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Hà Giang, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ,, Đồng Tháp...

Trong đó, tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã triển khai xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Trong đó, các văn bản không mật phải được xử lý hoàn toàn trên hệ thống, tích hợp chữ ký số của các tổ chức, cá nhân của các đơn vị thuộc Bộ, thay thế văn bản truyền thống bằng văn bản điện tử. Việc sử dụng hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc trong hoạt động của Bộ đã thay đổi cơ bản phương thức chỉ đạo, điều hành. Hiện nay hệ thống có 6.315 tài khoản người dùng và đáp ứng vận hành liên tục.

Tại tỉnh Thái Bình, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai thành công ứng dụng chữ ký số với thao tác ký văn bản và xác thực văn bản trực tuyến vừa đảm bảo tính pháp lý cho văn bản gửi trên môi trường mạng Internet, vừa tạo tiền đề quan trọng để xây dựng Chính quyền điện tử trong giai đoạn tiếp theo; góp phần giảm bớt giấy tờ hành chính, mỗi năm tiết kiệm chi phí cho tỉnh khoảng 20 - 30 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng chữ ký số gắn trên các tài liệu điện tử gửi, nhận trên hệ thống trục liên thông gửi, nhận văn bản điện tử của Chính phủ, gửi, nhận liên thông từ Chính phủ đến cấp tỉnh, huyện, xã và ngược lại, gắn với mã định danh của các đơn vị. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 1.400 tài khoản gửi nhận văn bản điện tử thay văn bản giấy.

Hỗ trợ hiệu quả đơn giản hóa thủ tục hành chính
Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc áp dụng chữ ký số chuyên dùng trong dịch vụ công trực tuyến đã hỗ trợ hiệu quả cho quá trình cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cụ thể, tiết kiệm, rút ngắn thời gian đăng tải và thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tiết kiệm nhân lực trong kiểm tra, rà soát thông tin của doanh nghiệp, cá nhân tham gia dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo tính bảo mật, toàn vẹn dữ liệu.

Hiện nay, tại Bộ Y tế đã có 5 thủ tục hành chính được trực tuyến hóa mức độ 3, 55 thủ tục hành chính được trực tuyến hóa mức độ 4, trong đó có 6 thủ tục hành chính đã được kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Trong các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được sử dụng trong công văn trao đổi với bên sử dụng dịch vụ; ký xác nhận ý kiến thẩm định; xác nhận chuyển, nhận tiền; ký kết quả xử lý hồ sơ (giấy phép, chứng nhận,...); ngoài ra bên sử dụng dịch vụ công trực tuyến là cơ quan Nhà nước cũng sử dụng để ký hồ sơ, tài liệu, giao dịch của mình. Đối tượng chính là lãnh đạo Bộ Y tế, các Cục, Vụ và lãnh đạo cấp phòng thuộc Cục, Vụ.

Năm 2016 đã có hơn 72.000 hồ sơ được xử lý trực tuyến, chiếm gần 89% tổng số hồ sơ được xử lý; 9 tháng đầu năm 2017 có hơn 56.000 hồ sơ, chiếm gần 89% tổng số hồ sơ được xử lý.

Theo báo cáo của Ban Cơ yếu Chính phủ, về sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong 28/30 cơ quan Bộ, ngành Trung ương có ứng dụng thì 70% các cơ quan cung cấp các dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử ở mức độ 2, khoảng 40% cơ quan đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Đặc biệt, việc áp dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ áp dụng và phát huy được hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí, điển hình như Bộ: Tài chính, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Bảo hiểm xã hội Việt Nam...

Còn tại các địa phương, việc áp dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cũng đã được các địa phương trong cả nước đẩy mạnh triển khai tiêu biểu là các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Lào Cai, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Cà Mau...

Nguồn: Chính phủ

Số lượt đọc: 4477

Về trang trước Về đầu trang