Tin KHCN trong nước
Hướng tới ngành công nghiệp văn hóa (27/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (I 4.0), ngành Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) hoàn toàn có thể vươn đến phát triển như một ngành công nghiệp tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Thay đổi tư duy, cách tiếp cận đối với ngành VHTTDL về một ngành phi vật chất trở thành ngành công nghiệp mang lại giá trị gia tăng với nền tảng từ I 4.0- đây là điều mà ngành VHTTDL đang hướng đến và cũng được thảo luận sôi nổi tạo buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với Bộ VHTTDL về tình hình triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Chỉ thị số 16/CT-TTg) diễn ra chiều ngày 25/10/2017.
 

Toàn cảnh buổi làm việc.
 

Đẩy mạnh đổi mới công nghệ

Ông Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTTDL đã báo cáo tình hình triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg, theo đó, Bộ đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và đề xuất sản phẩm chủ lực phù hợp với xu thế phát triển của cuộc I 4.0. Đề xuất các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của ngành (lĩnh vực) mình để tổ chức triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cuộc I 4.0 và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ VHTTDL cũng đã đề xuất các nhóm công việc dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới, gồm: Đẩy mạnh đổi mới công nghệ và triển khai ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi các công nghệ mới phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ; Nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để sẵn sàng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu trong hoạt động của các lĩnh vực có liên quan như điện ảnh, mỹ thuật, biểu diễn nghệ thuật, thư viện, phát triển thể dục thể thao cho mọi người, huấn luyện thể thao chuyên nghiệp,... Xây dựng dữ liệu số của ngành (như di sản văn hóa, dữ liệu về quyền tác giả và quyền liên quan theo thông lệ quốc tế,...), đổi mới công nghệ lưu trữ và khai thác dữ liệu, tích hợp các ứng dụng nhằm cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến, cung cấp thông tin chính thống đến người dân và doanh nghiệp; Xây dựng hệ thống thông tin tổng thể phục vụ quản lý ngành du lịch, kết nối giữa Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, các cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch,… liên thông với các lĩnh vực liên quan khác theo định hướng xây dựng Chính phủ điện tử;  Đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng xu thế phát triển của lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ nhằm tiếp cận, học tập việc ứng phó với xu thế phát triển của I 4.0 các lĩnh vực có liên quan của các nước tiên tiến.

Có thể tạo ra của cải vật chất

Cũng theo ông Lương, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp, với sự tham gia của các Tổng cục, Cục, Vụ và 5 Viện nghiên cứu thuộc Bộ, lấy ý kiến đóng góp về sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch. Trên cơ sở đó, dự thảo "Định hướng và danh mục các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017 - 2020" đã được soạn thảo. Với Dự thảo này, ngành VHTTDL sẽ chú trọng đến lĩnh vực du lịch thông minh để tạo sản phẩm lợi thế cạnh tranh trên nền tảng GIS, công nghệ thực tế ảo, lưu trữ, kết nối và khai thác dữ liệu lớn...Dự kiến năm 2018, danh mục này sẽ hoàn thiện và bắt tay sản xuất những sản phẩm chủ lực đầu tiên.

PGS.TS Lê Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật cho biết, cần có cách tiếp cận đúng thì mới có hành động đúng. Ông Quang cho rằng, với cách hiểu trước đây, ngành VHTTDL chỉ là ngành phi sản xuất, không tạo ra của cải vật chất cho xã hội đã quá lạc hậu. Với cách tiếp cận mới cũng như thực tế đã chứng minh, ngành VHTTDL của nhiều quốc gia đã tiến tới phát triển nền công nghiệp văn hóa mà Hàn Quốc là ví dụ điển hình. Có những lĩnh vực tưởng chừng như chỉ có giá trị tinh thần như di sản, tư liệu... nếu kết hợp với công nghệ số có thể là nguồn tài nguyên trong bối cảnh I 4.0.

Với ngành công nghiệp văn hóa cần ba nền tảng chính là công nghệ, nội dung và tổ chức sản xuất. Tất cả những nền tảng này đều cần sự sáng tạo, đổi mới không ngừng, đặc biệt khâu tổ chức sản xuất sẽ bị tác động trực diện nhất. Với I 4.0, từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu dùng đều theo cách mới.

Một vấn đề cũng là thách thức khi tiếp cận I 4.0 chính là công tác thống kê hiện nay đang rất kém. Hạ tầng công nghệ tốt nhưng công tác thống kê không theo kịp thì chắc chắc không thể nghĩ đến nền công nghiệp văn hóa. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng, xác định sản phẩm chủ lực của ngành VHTTDL không chỉ dựa trên tiêu chí gia tăng giá trị mà làm giảm chi phí đầu vào, bớt sử dụng tiền đầu tư từ Nhà nước làm lợi cho ngân sách Nhà nước. Đại diện Cục Di sản văn hóa thì cho rằng, sản phẩm chủ lực của ngành VHTTDL cần chia làm nhiều cấp độ, nhưng phải làm sao tạo được sự kết nối, chia sẻ với các lĩnh vực của Bộ.

Tại buổi làm việc, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN chia sẻ, việc đề xuất phân loại thứ tự ưu tiên các danh mục sản phẩm chủ lực là rất cần thiết. Từ đó, dựa vào nguồn lực đầu tư, Bộ có thể chủ động triển khai công việc ngay. TS Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Bộ KH&CN đề xuất, nên xây dựng bộ tiêu chí đánh giá với 2 loại: sản phẩm tạo ra giá trị kinh tế, thương mại, sản phẩm mang lại giá trị văn hóa, tinh thần. Cũng từ cách chia này, nên xắp xếp sản phẩm nào chỉ có Nhà nước đầu tư thực hiện được và sản phẩm có sự tham gia của doanh nghiệp.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4642

Về trang trước Về đầu trang