Tin KHCN trong nước
Bảo vệ giá trị sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh (20/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Bộ công cụ để quản lý, kiểm soát, bảo vệ chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh sẽ sớm được hoàn thiện để bảo vệ sản phẩm quốc gia này trước tình trạng hàng nhái, hàng giả.

Xuất hiện sản phẩm giả mạo sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049. Kể từ sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và công nhận là sản phẩm quốc gia, những giá trị về chất lượng sâm Ngọc Linh được thông tin, phổ biến rộng rãi hơn; số lượng người quan tâm và có mong muốn được sử dụng sâm Ngọc Linh tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, số lượng sản phẩm sâm Ngọc Linh được cung cấp trên thị trường còn hạn chế, giá bán sâm Ngọc Linh tăng gấp 4-5 lần so với trước đây. Điều này dẫn đến hoạt động kinh doanh sâm Ngọc Linh giả ngày càng gia tăng.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), qua khảo sát thị trường và ghi nhận từ phản ánh của UBND các tỉnh, các cơ quan, doanh nghiệp tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Kon Tum cho thấy: Hiện nay, trên thị trường các địa phương này có sâm Ngọc Linh giả (hạt, giống cây, củ, lá và hoa); các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh có nguồn gốc từ tam thất hoang hoặc tam thất Vũ Diệp.

Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 8 doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp này đang trong thời gian đầu tư, hoạt động thử nghiệm nên chưa có sản phẩm được bán trên thị trường. Dù vậy, tình trạng mua, bán sản phẩm sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra công khai, khó kiểm soát.

Nhận định về các hành vi vi phạm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thành cho biết, các hành vi vi phạm rất khác nhau, có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc tiêu chuẩn chất lượng. Về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Các tổ chức, cá nhân sử dụng biển hiệu “Sâm Ngọc Linh”, tên doanh nghiệp, tên thương mại có chứa cụm từ “Sâm Ngọc Linh” mà không được phép của UBND các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum; bán sâm Ngọc Linh giả và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh giả tại các cửa hàng, hoặc trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, mua bán công khai hoặc giao nhận tận tay, cất giấu tại nơi ở…

Theo quy định pháp luật hiện hành, củ sâm Ngọc Linh giả được kinh doanh trên thị trường là hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý có thể bị xử lý hành chính, dân sự, hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Sớm hoàn thiện quy chế quản lý sâm Ngọc Linh

Trước thông tin về sâm Ngọc Linh giả xuất hiện trên thị trường, Bộ KH&CN đã thành lập Đoàn công tác tới các địa phương để khảo sát, xác minh. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cũng đã giao cho Thanh tra Bộ KH&CN làm đầu mối phối hợp với các đơn vị đề xuất giải pháp để giải quyết những vướng mắc hiện nay trong quản lý, kiểm soát và xử lý sâm Ngọc Linh giả.

Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ hỗ trợ tỉnh Quảng Nam và Kon Tum hoàn thiện bộ công cụ để quản lý, kiểm soát, bảo vệ chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh (như Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh; bộ tem, nhãn nhận diện chỉ dẫn địa lý…). Đồng thời, xem xét về việc mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh đối với khu vực lân cận nếu đáp ứng điều kiện để được công nhận.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng sẽ phối hợp với Vụ KH&CN các ngành kinh tế-kỹ thuật để rà soát, đề xuất triển khai việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam, sâm K5) là một loại sâm quý đặc hữu của Việt Nam, được phát hiện vào năm 1973 tại vùng rừng nguyên sinh Ngọc Linh, thuộc địa phận 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Sâm Ngọc Linh chứa tới 52 saponine, gấp hơn 2 lần sâm Hàn Quốc và có hàm lượng thu suất toàn phần gấp 3 lần sâm Triều Tiên, được các nhà khoa học đánh giá là loại sâm tốt nhất thế giới hiện nay.

Sâm Ngọc Linh thật có nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Dùng dao cắt thân thành từng lát mỏng và quan sát bên trong thì thấy phần củ có màu vàng nhạt còn phần thân hơi tím hoặc xám nhạt. Các vân trên lát cắt đều, xơ nhỏ. Khi đưa lên miệng nếm có vị đắng, dư vị về sau ngọt.

Nguồn: báo chính phủ

Số lượt đọc: 3539

Về trang trước Về đầu trang