Tin KHCN trong nước
“Thương mại hóa sản phẩm từ dự án nghiên cứu” - sân chơi mới dành cho nhà khoa học (20/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Mỗi năm, TP.HCM bỏ ra 10 triệu USD cho nghiên cứu khoa học (KH). Tuy nhiên, từ nghiên cứu tới thị trường hóa sản phẩm, đặc biệt là những nghiên cứu từ trường đại học (ĐH), thường có những lỗ hổng nên gặp nhiều khó khăn.

Chương trình: “Thương mại hóa sản phẩm từ dự án nghiên cứu” do Không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo khởi nghiệp (gọi tắt là Sihub, thuộc Sở khoa học và công nghệ TP.HCM) tổ chức ngày 7/10/2017 vừa qua dành cho các nhóm nghiên cứu của hai trường ĐH Khoa học tự nhiên và Bách khoa TP.HCM cũng xuất phát từ những bất cập trên. Ngoài việc tham gia thuyết trình các ý tưởng nghiên cứu, 4 nhóm dự án còn được nghe nhiều góp ý từ các chuyên gia và được giới thiệu đối tác, nhà đầu tư để phát triển ý tưởng.

Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá các ý tưởng đều rất tốt, trong đó có một số có thể phát triển và đưa ra thị trường. Tuy nhiên, điểm yếu mà các nhóm mắc phải đó là không tìm hiểu thông tin thị trường, không xác định đối thủ, chưa xác định được sản phẩm của mình nghiên cứu có những ưu điểm vượt trội nào so với những sản phẩm cùng loại đang có mặt trên thị trường … Theo ông Lý Trường Chiến, chủ tịch tập đoàn Trí Tri thì: “Trước khi nghiên cứu ra sản phẩm mới, phải tìm hiểu kỹ thị trường, khách hàng của mình là ai, sản phẩm của mình nằm ở phân khúc nào trong chuỗi cung ứng”.

Theo đánh giá của các giám khảo, các nhóm tham gia tại chương trình phần lớn chỉ mới dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu, khoảng cách từ nghiên cứu đến khi sản phẩm ra thị trường còn rất xa. Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Sihub nhận định “Các nghiên cứu từ trường đại học xét về mặt khoa học thì đã có lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm trên thị trường”.

Liên quan đến việc thị trường hóa ý tưởng nghiên cứu, bà Phi Vân, chủ tịch Hội đồng quản trị Retail & Franchise, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu cho biết: “Ý tưởng sẽ không là gì hết nếu chưa tìm hiểu nhu cầu thị trường và xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Sản phẩm phải khác biệt, giá trị lớn thì mới hy vọng giành lấy thị trường”.

Với những giá trị mang lại từ quá trình nghiên cứu nghiêm túc, hai ý tưởng: “Mặt nạ định vị cho các bộ phận cơ thể phục vụ cho phương pháp xạ trị chữa bệnh ung thư” (ĐH Bách khoa TP.HCM và “Chất làm đầy (filler) từ collagen người dùng trong thẩm mỹ” (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) đã được chọn là 2 ý tưởng xuất sắc nhất trong chương trình. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu Chất làm đầy (filler) đã được giám khảo Huỳnh Kim Tước lựa chọn bảo trợ ngay sau kết thúc phần thuyết trình.

Bên cạnh đó, các giám khảo của chương trình cũng đã chọn được cho mình những nhóm ý tưởng yêu thích để bảo trợ, giới thiệu đối tác và giúp đỡ hoàn thiện ý tưởng nghiên cứu cũng như thương mại hóa sản phẩm.

Theo thông tin từ Sihub, bắt đầu từ tháng 10/2017, hàng tháng, Sihub sẽ tổ chức hoạt động: “Thương mại hóa sản phẩm từ dự án nghiên cứu” nhằm góp phần đưa những dự án nghiên cứu từ trường đại học ra thị trường. Hoạt động này sẽ có sự tham gia của các chuyên gia khởi nghiệp, nhà cố vấn, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư nhằm tham vấn và hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, mà quan trọng là xây dựng mô hình kinh doanh với mục tiêu, chiến lược rõ ràng – là điểm yếu của hầu hết các nhóm nghiên cứu từ trường đại học.

Nguồn: Khoa học phổ thông

Số lượt đọc: 2079

Về trang trước Về đầu trang