Tin KHCN trong nước
Hội thảo tập huấn quốc tế về Nghiên cứu và Công bố quốc tế R123 (24/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Trong hai ngày 23-24/10/2017, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia phối hợp với Công ty Innovative Education tổ chức "Chuỗi hội thảo tập huấn về Nghiên cứu và Công bố quốc tế". Chuỗi hội thảo nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu, giảng viên và các nhà quản lý có thêm phương pháp và công cụ hữu ích thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ Nghiên cứu khoa học trên thế giới trong giai đoan 2017-2020.

Tham dự hội thảo tập huấn có ông Đào Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; ông Wong Woei Fuh, bà Jennifer Yong, bà Iris Hsu, Công ty Innovative Education; bà Ngô Tố Hoa, Giám đốc Công ty Igroup Việt Nam; và hơn 80 học viên là cán bộ lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, các giảng viên đến từ các Vụ, Viện nghiên cứu, các trường đại học, Trung tâm nghiên cứu.

Số lượng công bố KH&CN trên những tạp chí KH&CN quốc tế có uy tín là chỉ số được nhiều nước sử dụng trong đánh giá năng suất và chất lượng nghiên cứu KH&CN của một quốc gia/vùng lãnh thổ. Tổng hợp từ hệ thống Scopus (Elsevier) về các kết quả nghiên cứu khoa học năm trong những năm qua cho thấy, số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam đã tăng mạnh, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Đây là thực trạng cần phải cải thiện ngay trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh việc công bố quốc tế ngày càng được coi là thước đo khách quan cho trình độ và xếp hạng năng lực nghiên cứu khoa học của các quốc gia.

Chuỗi hội thảo Tập huấn Nghiên cứu và Công bố quốc tế R123 được tổ chức với mục tiêu tìm ra "la bàn" cho các nhà nghiên cứu khoa học trong nước tiếp cận các "đầu ra quốc tế" trong việc nghiên cứu, xuất bản và quảng bá.

Nội dung đào tạo của chương trình tập trung trang bị cho các học viên: Phương pháp xây dựng đề cương nghiên cứu và thực hành nghiên cứu hiện đại có hiệu quả; Phương pháp nghiên cứu trong Đổi mới sáng tạo; Tối ưu hóa chất lượng công trình nghiên cứu, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn học thuật quốc tế nghiêm ngặt trong xuất bản các công trình nghiên cứu; Bí quyết viết bài và công bố quốc tế: Xây dựng chiến lược xuất bản quốc tế hiệu quả; Hỗ trợ tăng tính nhận diện quốc tế cho các nghiên cứu đã có công bố: Tăng tính khả thi trong nghiên cứu và đổi mới thương mại hóa tại các đơn vị nghiên cứu; Tư vấn hỗ trợ các trường đại học đạt thứ hạng cao thông qua nghiên cứu chất lượng.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 5790

Về trang trước Về đầu trang