Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ phát triển thanh long ở các tỉnh phía Bắc (24/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Thanh long là một trong những cây ăn quả chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao ở những nơi không chủ động nước của các tỉnh phía Nam và vùng đất gò đồi của các tỉnh phía Bắc phù hợp với phương thức canh tác kinh tế hộ gia đình như hiện nay. Cây thanh long sau trồng một năm đã bắt đầu cho quả, thời gian cho quả kéo dài từ 6 - 7 tháng trong năm và chia ra thành nhiều đợt quả, tránh được hiện tượng quả bị ế đọng trong mùa vụ. Quả thanh long có giá trị dinh dưỡng rất cao và khác hẳn với thành phần dinh dưỡng của các loại quả khác.

Thanh long Việt Nam chủ yếu sử dụng cho xuất khẩu. Sản lượng thanh long xuất khẩu chiếm 80 - 86% tổng sản lượng thanh long của cả nước. Sản lượng thanh long sử dụng cho tiêu dùng trong nước chỉ chiếm 15 - 20%. Đến nay, thanh long của Việt Nam đã được xuất khẩu đi trên 40 nước trên thế giới. Ở các tỉnh phía Bắc, năm 2001, giống thanh long ruột đỏ lần đầu tiên được Viện Nghiên cứu Rau quả nhập về trồng thử nghiệm tại Viện và một số vùng miền Bắc nước ta như Hà Tây, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc... Tại một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, cây thanh long ruột đỏ đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng truyền thống tại đại phương như vải, mía hoặc cây bạch đàn. Từ hiệu quả kinh tế thu được cao, một số tỉnh phía Bắc đã đưa thanh long vào cơ cấu các cây ăn quả phát triển tại địa phương trong đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, từ nguồn gốc giống nhập nội ban đầu đang trong quá trình tiếp tục chọn lọc, cây thanh long ruột đỏ được nhập về trồng thử nghiệm đang có những dòng với khả năng sinh trưởng phát triển, đặc điểm hình thái quả, năng suất và chất lượng quả khác nhau. Giống thanh long ruột đỏ LĐ1 trồng ở các tỉnh phía Bắc cho năng suất cao, chất lượng quả tốt nhưng lại rất mẫn cảm với một số đối tượng sâu bệnh gây hại chính và đây là một trong các trở ngại của việc trồng và phát triển cây thanh long ruột đỏ ở các tỉnh phía Bắc.

Để có thể phát triển sản xuất thanh long ở các tỉnh phía Bắc nhằm làm đa dạng hóa các sản phẩm quả, tận dụng lợi thế khả năng thích ứng tốt của cây thanh long trên nhiều loại đất khác nhau, việc nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ để cây thanh long ở các tỉnh phía Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng của một cây ăn quả đang có giá trị hiệu quả kinh tế cao là rất cần thiết. Đồng thời cùng với việc nghiên cứu tuyển chọn và chọn tạo các giống thanh long có khả năng sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao và chất lượng quả tốt, các biện pháp kỹ thuật thâm canh cũng rất cần được nghiên cứu, nhóm nghiên cứu do TS Nông nghiệp Nguyễn Quốc Hùng, Viện Nghiên cứu Rau quả, đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ phát triển thanh long ở các tỉnh phía Bắc” nhằm có thể tuyển chọn được giống và xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác thích hợp cho sản xuất thanh long ở các tỉnh phía Bắc, năng suất cao, đạt chất lượng xuất khẩu

Qua một thời gian triển khai nghiên cứu tại một số tỉnh Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc, nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết quả như sau:
1. Đã thu thập được 42 mẫu giống thanh long từ các nguồn thu thập trong nước và nhập nội. Trong số các mẫu giống thu thập được, có 12 mẫu giống thanh long vỏ đỏ ruột trắng, 1 mẫu giống vỏ xanh ruột trắng, 1 mẫu giống vỏ sọc ruột trắng, 27 mẫu giống thanh long vỏ đỏ ruột đỏ và 1 mẫu giống thanh long vỏ vàng ruột trắng. Tất cả các mẫu giống thu thập được đã được đưa vào trồng đánh giá tại Viện Nghiên cứu Rau quả. Trong 42 mẫu giống thu thập được, đề tài đã chọn 8 mẫu giống có triển vọng đưa đi trồng khảo nghiệm tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Sơn La.
2. Đã tuyển chọn được 2 giống thanh long ruột đỏ TL4 và TL5. Giống thanh long tuyển có khả năng sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao, chất lượng quả tốt và trồng thích hợp ở một số tỉnh phía Bắc. Sau trồng 4 năm, giống TL4 cho 58,2 - 66,5 cành/trụ, khối lượng trung bình quả 327 - 345 gam/quả, năng suất đạt 23,5-25,8 kg quả/trụ, tương đương 25,85 - 28,38 tấn/ha, độ brix đạt 17,8 -18,6 0bx. Sau trồng 3 năm, giống TL5 đạt 57-58 cành/trụ ở năm thứ 3; có khả năng ra 11-12 đợt hoa/năm; năng suất ở vụ quả thứ 2 đạt 13-15 kg/trụ, khối lượng quả trung bình đạt 470- 500g/quả và độ Brix đạt khoảng 18%.
3. Đã hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nhân giống thanh long ruột đỏ TL4 có tỷ lệ cây xuất vườn cao và chất lượng cây giống tốt. Sử dụng cành giâm 9 tháng tuổi, kích thước cành 30 - 40 cm kết hợp với sử dụng chất kích thích ra rễ IBA nồng độ 700ppm và giâm cành thanh long trên nền cát sông + trấu hun rút ngắn thời gian ra rễ của cành giâm, có chất lượng rễ tốt và cho tỷ lệ xuất vườn đạt 100%.
4. Đã hoàn thiện được quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long ruột đỏ cho một số tỉnh phía Bắc cho cây sinh trưởng tốt, có khả năng cho năng suất cao và chất lượng quả tốt. Một số khâu chính trong quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bao gồm: mật độ trồng thích hợp là 1.100 trụ/ha; tỉa để lại 1 - 2 cành/1 cành mẹ; lượng phân bón thích hợp cho cây 5 năm tuổi trở lên với 700 g N, 500 g P2O5và 700 g K2O trụ/năm; và thu hoạch quả sau tắt hoa 30 - 31 ngày. Quy trình kỹ thuật trồng và thâm canh cây thanh long ruột đỏ ở các tỉnh phía Bắc cho khả năng đạt năng suất trên 25,5 tấn/ha, chất lượng quả tốt.
5. Xây dựng 1,2 ha mô hình trồng và thâm canh 2 giống thanh long ruột đỏ TL4 và TL5 tại Uông Bí - Quảng Ninh, Lập Thạch - Vĩnh Phúc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng và thâm canh cây thanh long ruột đỏ từ kết quả nghiên cứu thu được của đề tài. Tại các mô hình trồng và thâm canh các giống thanh long ruột đỏ từ sản phẩm của đề tài cho cây có khả năng sinh trưởng khỏe, thời gian từ trồng đến bắt đầu ra hoa ngắn và có tiềm năng cho năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha.

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép triển khai áp dụng các quy trình nhân giống thanh long ruột đỏ, quy trình kỹ thuật trồng thâm canh thanh long ruột đỏ TL4 và TL5 ở vùng đất gò đồi của một số tỉnh phía Bắc.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 4730

Về trang trước Về đầu trang