Tin KHCN trong nước
Tiến tới nông nghiệp công nghệ cao thích ứng (11/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Cần tận dụng lợi thế khí hậu, tài nguyên, cân nhắc nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo đặc thù đem lại hiệu quả xã hội tốt nhất là cách mà chúng ta nên triển khai tại thời điểm này.

Đây là một số gợi mở được đưa ra tại buổi làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình triển khai thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (I 4.0) ngày 10/10/2017.

Buổi làm việc nằm trong kế hoạch của Bộ KH&CN nhằm đánh giá những việc đã triển khai liên quan đến Chỉ thị số 16/CT-TTg  của các Bộ, Ngành.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu tại buổi làm việc.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đồng chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có đại diện các Tổng cục, Cục, Vụ chức năng của Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT về tình hình triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg cho thấy, Bộ đã khẩn trương ban hành Chỉ thị số 6524/CT-BNN-KHCN về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ thứ 4 và Quyết định số 3628/QĐ-BNN-KHCN ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng về năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ thứ 4. Theo đó, có 8 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cùng 12 nội dung đã được Bộ NN&PTNT triển khai nhằm thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Từng bước hướng đến I 4.0

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NNN&PTNT đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Cụ thể, về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ nuôi cấy tế bào đã được ứng dụng rộng rãi để cung cấp cây giống sạch bệnh, giá thành rẻ cho sản xuất giống trên nhiều đối tượng cây trồng nông lâm nghiệp (rau, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp và cây lâm nghiệp). Công nghệ gen đã được ứng dụng trong nghiên cứu cải tiến các giống cây trồng vật nuôi có năng suất chất lượng tốt, khả năng chống chịu cao với sâu bệnh hại, điều kiện môi trường không thuận lợi…

Bên cạnh đó, công nghệ vi sinh đã và đang triển khai sản xuất và sản xuất trên quy mô công nghiệp các chế phẩm vi sinh vật phục vụ sản xuất trồng trọt và bảo vệ môi trường. Chúng ta cũng đã tạo ra được các loại vắcxin thế hệ mới, kit chẩn đoán dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, các chế phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn tự nhiên phục vụ sản xuất giống thủy sản và thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bộ NN&PTNT đang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực thủy sản đến năm 2020 để làm chủ công nghệ sản xuất. Công nghệ tự động hóa, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp kết hợp công nghệ thông tin đã được ứng dụng tại các mô hình canh tác rau, củ, quả, hoa có giá trị kinh tế cao. Một số doanh nghiệp nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất giống (lợn, gà) và chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô công nghiệp (lợn, bò sữa, gà), trong sản xuất thức ăn chăn nuôi…

Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng rộng rãi như: quản lý, vận hành quy trình sản xuất nông lâm thủy sản tại một số doanh nghiệp; dự báo ngư trường, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho tàu cá hoạt động trên biển; quản lý dữ liệu, trao đổi thông tin về bảo vệ thực vật để kết nối 669 huyện của 63 tỉnh thành với các trung tâm bảo vệ thực vật của vùng. Ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra khảo sát và đánh giá kiểm kê rừng, độ che phủ rừng.

Bộ NN&PTNT cũng đã tham gia hệ thống tiếp nhận, trả kết quả đối với các thủ tục hành chính thực hiện trên Internet (cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU qua hệ thống TRACES của EU, cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang các thị trường qua hệ thống một cửa quốc gia…). Bước đầu đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập cơ sở dữ liệu điện tử, chỉ dẫn địa lý phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; trong xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản, môi trường hải dương và nghề cá phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất…

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã có những kết quả ban đầu trong sử dụng vật liệu mới phục vụ sản xuất trồng trọt, khai thác thủy sản. Phối hợp với các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu mô hình sử dụng các thuật toán di truyền, trí tuệ nhân tạo trong dự báo biến động sử dụng đất, dự báo rủi ro thiên tai và tác động môi trường…

I 4.0 - Cơ hội thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại buổi làm việc.
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Lê Quốc Doanh cho rằng: I 4.0 sẽ tạo cơ hội thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao và bền vững góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, cơ hội đi đôi với thách thức, phải thẳng thắn rằng, hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ của I 4.0 đối với ngành nông nghiệp chưa đồng bộ, quy mô đồng ruộng manh mún; kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.

Đó là chưa kể đến các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp còn rất hạn chế (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…). Thêm vào đó là sự hạn chế nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp…
 

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng (Sản xuất hoa tại công ty Hasfarm).
 

Chia sẻ với những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Phạm Đại Dương cho biết, hiện nay người dân đang bị hoang mang và thực sự không hiểu thế nào là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch… Vậy, nông nghiệp trong bối cảnh I 4.0 đang ở đâu trong những định nghĩa đó? Một số ý kiến cho rằng, nên gọi thực chất hơn về nông nghiệp có yếu tố công nghệ cao, đó là công nghệ cao thích ứng mà tỉnh Lâm Đồng là ví dụ điển hình. Với lợi thế khí hậu, tỉnh Lâm Đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo cách của mình, không cần quá cầu kỳ nhà kính hiện đại, họ chỉ cần bạt nilon phủ song vẫn rất phát triển. Đa số công nghệ tự thân của tỉnh được tận dụng tối đa tại địa phương này. Đây là mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đáng để học hỏi.

Thực tế cho thấy có nhiều thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp lại phải nhập khẩu như sensor cảm biến, nhà lưới, nhà kính… mặc dù trình độ công nghệ của Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được. Nguyên nhân được chỉ ra là thiếu sự khớp nối giữa người làm công nghệ và người làm nông nghiệp.
 

Tại buổi làm việc, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra kiến nghị đề xuất với Bộ KH&CN. Cụ thể: ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, có khả năng tương thích với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ; Thúc đẩy phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, chế biến sâu phục vụ sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiêp có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực chuyên môn về sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp với đầy đủ kỹ năng trong sử dụng, vận hành các thiết bị tự động, thiết bị số. Tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị cần liên kết chặt chẽ giữa các Bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức KHCN và người sản xuất nông nghiệp trong việc triển khai ứng dụng các công nghệ liên quan đến I 4.0. Cuối cùng, rà soát chính sách về đất đai, tập trung dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tập trung đất đai; phát triển công nghệ phụ trợ phù hợp với các dự án cơ khí quy mô vừa và nhỏ phục vụ công nghiệp hóa nông thôn.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm hoàn thiện báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT- TTg, trong đó cần đưa ra danh mục những công việc phải ưu tiên triển khai ngay để tránh dàn trải. 

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4993

Về trang trước Về đầu trang