Tin KHCN trong nước
Công nghệ màng bao khí quyển biến đổi trong bảo quản rau củ quả tươi (06/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Công nghệ bảo quản bằng màng bao khí quyển biến đổi Modified Atmosphere Packaging (MAP) là bao bọc rau quả trong vật liệu chắn khí, trong đó môi trường khí được điều chỉnh để ức chế quá trình hô hấp giúp rau quả tươi lâu hơn và vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng..

Túi GreenMAP áp dụng công nghệ MAP được nghiên cứu thành công bởi Viện Hóa học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Túi GreenMAP được làm từ nhựa LDPE kết hợp với một số chất phụ gia vô cơ như silica, zeolit, bentonit hoàn toàn không độc hại đối với sức khỏe con người và được Cục ATVSTP (Bộ Y Tế) cấp giấy chứng nhận.

Túi GreenMAP - Bảo quản rau quả tươi

Hiện tại túi GreenMAP đã được thí nghiệm thành công cho hầu hết các loại rau quả giúp kéo dài thời gian bảo quản rau lên 14-15 ngày và quả lên 28-35 ngày. Túi GreenMAP có nhiều kích thước dành cho xuất khẩu và bán lẻ.

Túi GreenMAP đang được các nhà xuất khẩu rau quả Việt Nam sử dụng để xuất sản phẩm đi các nước trên thế giới. Ngoài ra, tiêu dùng trong nước còn có các thương lái, nhà hàng, hộ gia đình sử dụng.

Bảo quản trái vải

Vải bảo quản bằng màng túi GreenMAP tốt nhất là ở độ chín 2 (80-85 ngày sau đậu quả). Điều kiện bảo quản tối ưu của vải thiều trong túi GreenMAP là ở nhiệt độ 4-5oC, độ ẩm 90%, khối lượng quả tối đa là 5kg/túi. Sau đó đóng trong các hộp carton 5kg có đục lỗ thoáng. Thời gian bảo quản có thể lên đến 30 ngày, mở ra cơ hội xuất khẩu vải sang các thị trường như Malaysia, Singapore, Australia bằng đường biển thay vì đường hàng không.

Bảo quản trái nho

Sau khi thu hoạch, nho được làm sạch bằng nước Clo để giảm tối đa sự tồn tại và lây lan mầm bệnh. Điều kiện bảo quản nho tối ưu là bảo quản nho trong túi MAP ở nhiệt độ -1- 2oC, độ ẩm 92-95%. Thời gian bảo quản 50-60 ngày. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể chủ động thu mua, bảo quản nho lâu, đưa đi tiêu thụ xa hàng ngàn cây số.

Bảo quản trái thanh long

Trái thanh long sau 30 ngày bảo quản bằng túi GreenMap ở nhiệt độ 3oC vẫn giữ được sự tươi của vỏ quả.

 

Trong điều kiện gần 40% rau quả thu hoạch không đến được tay người tiêu dùng do khâu vận chuyển và bảo quản không phù hợp (tỷ lệ càng cao ở những quốc gia kém phát triển), công nghệ này hứa hẹn nhiều khởi sắc trong ứng dụng thực tiễn tại Việt Nam.

Nguồn: cesti.gov.vn

Số lượt đọc: 3310

Về trang trước Về đầu trang