Tin KHCN trong nước
Duyên hải miền Trung nêu 10 kiến nghị để phát triển đột phá (25/09/2017)
-   +   A-   A+   In  
Trong cuộc họp Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung chiều 24/9 tại Đà Nẵng, lãnh đạo chủ chốt của 9 tỉnh, thành phố thống nhất gửi Thủ tướng Chính phủ các kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách liên kết phát triển với khát vọng tạo bước phát triển mang tính đột phá cho vùng duyên hải.

Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) - trung tâm logistics lớn của vùng duyên hải miền Trung. Ảnh: VGP/Mai Vy

Vùng duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, thành phố (từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận) với 10,4 triệu dân (chiếm 11,2% cả nước), tổng GRDP năm 2016 đạt 465,7 nghìn tỷ đồng chiếm 10,3% của cả nước, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 đạt hơn 8,4%, cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ (41,6%), công nghiệp (30,4%), nông nghiệp (28%). Tỉ trọng trong khu vực phi nông nghiệp tương đối cao, tuy nhiên quy mô lại nhỏ, vì vậy GRDP bình quân đầu người vẫn còn thấp (44,8 triệu đồng/người/năm); trình độ phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong vùng không đồng đều. Thu hút đầu tư trong Vùng năm 2016 đạt 187,5 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 5,5 tỷ USD (3,1% cả nước).

 

Đây là vùng tương đối nghèo, còn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên chịu tác động trực tiếp từ thiên tai. Toàn vùng có 6 khu kinh tế, 1 khu công nghệ cao, 37 khu công nghiệp, 6 cảng hàng không, 13 cảng biển… Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa các trục quốc lộ, giữa các nút giao thông với các địa phương trong các tỉnh còn hạn chế, dễ bị xuống cấp, chia cắt khi gặp bão lũ, giảm khả năng tăng trưởng bao trùm.

Với những đòi hỏi mang tính đột phá trong liên kết phát triển, cần chính sách và cơ chế quản lý đủ mạnh để tạo động lực thu hút đầu tư khai thác các khu kinh tế ven biển, cùng với chính sách và cơ chế đang xây dựng cho các đặc khu hành chính-kinh tế, tạo bước đi mạnh hơn trong hoạt động liên kết cũng như cơ chế điều phối kinh tế vùng.

Do đó, Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận về nguyên tắc 10 nội dung để làm cơ sở cho các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn và phối hợp với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung triển khai nghiên cứu thành những quy định hoặc đề án cụ thể để áp dụng.

Thứ nhất, về quan điểm phát triển, đặt mục tiêu và yêu cầu phát triển vùng duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, vừa có ý nghĩa về kinh tế-xã hội vừa có ý nghĩa quan trọng về an ninh-quốc phòng.

Thứ hai, xây dựng trục kinh tế biển thống nhất với 9 tỉnh, thành phố là vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia. Trong đó, tiến hành điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thời kỳ 2021-2030 đồng thời rà soát lại, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung phù hợp với không gian kinh tế Vùng.

Thứ ba, điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các khu kinh tế của vùng duyên hải miền Trung để tập trung nguồn lực vào các mục tiêu mũi nhọn của từng khu kinh tế, khai thác có hiệu quả các khu kinh tế biển, khu công nghiệp tại Vùng

Thứ tư, đề nghị nghiên cứu mô hình quản lý các khu kinh tế, mở rộng phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho các ban quản lý, bảo đảm cơ chế hành chính “một cửa”.

Thứ năm, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế trọng điểm về công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến sản phẩm từ dầu mỏ trên cơ sở rà soát và quy hoạch lại khu kinh tế Dung Quất và Chu Lai. Xây dựng quy chế đặc thù Phát triển vùng kinh tế Chu Lai-Dung Quất, làm trung tâm công nghiệp-cảng biển (logistics) - đô thị biển của vùng duyên hải miền Trung. Cần gắn kết 2 khu kinh tế này trong tổng thể phát triển, không bị chia cắt bởi hành chính địa phương.

Thứ sáu, Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung phối hợp cùng các địa phương, các bộ ngành khác rà soát quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng của Vùng; xây dựng cơ chế điều phối Vùng trong việc đầu tư sân bay, cảng biển và giao thông kết nối Vùng nhằm tránh phân tán nguồn lực (kể cả kêu gọi đầu tư tư nhân) và gắn kết giữa cảng biển với hệ thống tổ chức logistics, các khu công nghiệp trong Vùng.

Thứ bảy, ưu tiên xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng, gắn với con đường này sẽ quy hoạch xây dựng các đô thị ven biển, hình thành “mặt tiền” của đất nước.

Thứ tám, Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung xây dựng và triển khai thực hiện “Chương trình phát triển Du lịch miền Trung trở thành ngành mũi nhọn”, phát triển “Vùng du lịch”, xây dựng “thương hiệu điểm đến” chung cho cả Vùng.

Thứ chín, ưu tiên xây dựng Trung tâm Logistics - Hậu cần biển cho vùng duyên hải miền Trung, nhất là các trung tâm hậu cần nghề cá, gắn với công nghiệp chế biến.

Thứ mười, Chính phủ xem xét kiện toàn mô hình tổ chức Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung để triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối liên kết vùng duyên hải miền Trung (nội dung này có Đề án riêng đã trình Thủ tướng và Bộ Nội vụ cuối năm 2016).

* Tại buổi làm việc, đại diện Ban điều phối Vùng chính thức mời thêm tỉnh Quảng Trị tham gia vào Vùng để cùng liên kết phát triển.

Nguồn: VGP News

Số lượt đọc: 3819

Về trang trước Về đầu trang