THÊM MỘT NGUỒN TẾ BÀO ĐỂ SẢN XUẤT INSULIN
Gặp chúng tôi sau cuộc thi, em Lê Đình Nguyên Anh, HS lớp 11 Toán 1 chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em thử sức tại cuộc thi này. Dù gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi nghiên cứu dự án nhưng chúng em đã nỗ lực vượt qua để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Kết quả đạt được tại cuộc thi này là động lực để em tiếp tục nghiên cứu KHKT trong thời gian tới”. Nhóm nghiên cứu của Nguyên Anh mang tới cuộc thi dự án “Sự biệt hóa của tế bào gốc màng dây rốn trẻ sơ sinh thành tế bào sản xuất insulin”. Nguyên Anh cho biết, khi tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học, em biết tới phương pháp dùng tế bào gốc để chữa bệnh tiểu đường. Trước đó, đã có các nghiên cứu dùng tế bào gốc phôi thai và máu cuống rốn biệt hóa thành tế bào sản xuất insulin. Tuy nhiên, phương pháp này lại hạn chế về y đức và giới hạn khả năng biệt hóa. Từ thực tế đó, Nguyên Anh đã nghĩ tới phương án biệt hóa tế bào gốc màng dây rốn ở người thành tế bào sản xuất insulin (dùng trong điều trị bệnh tiểu đường). Với ý tưởng đó, Nguyên Anh bắt tay vào nghiên cứu tài liệu dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của cô Cao Mai Hương, GV môn Sinh học, đồng thời là GV chủ nhiệm. Tranh thủ dịp nghỉ hè 2016, cứ vào cuối tuần, Nguyên Anh lại bay sang Singapore làm thực nghiệm dưới sự hỗ trợ của TS. Đỗ Đăng Vịnh, Viện Nghiên cứu gen A*Star Singapore và GS.TS. Phan Toàn Thắng, ĐH Quốc gia Singapore & Mekostem Vietnam, người được thế giới vinh danh là cha đẻ của phương pháp ghép tế bào gốc từ cuống rốn.
Vừa học chính khóa, vừa học nâng cao tại đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, vừa hoàn thành dự án, khiến Nguyên Anh rất bận rộn, căng thẳng, song Nguyên Anh đã sắp xếp thời gian hợp lý, xác định mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Sự nỗ lực của em đã được đền đáp xứng đáng với giải Nhì toàn cuộc, khi kết quả nghiên cứu khẳng định khả năng biệt hóa các loại tế bào gốc dây rốn thành các tế bào sản xuất insulin điều trị bệnh tiểu đường type I. “Em hy vọng rằng, thành công trong nghiên cứu này sẽ cung cấp một nguồn tế bào sản xuất insulin mới, có ích cho việc điều trị bệnh tiểu đường type I đang ngày càng gia tăng”, Nguyên Anh chia sẻ.
HS Nguyễn Lê Kỳ Anh (phải) và Nguyễn Hoàng Thuận với dự án “Chế tạo kính thiên văn cơ bản cho HS THPT và SV dùng để nghiên cứu Ngân Hà và các vật thể khác qua dải sóng vô tuyến”.
GÓP SỨC LÀM SẠCH BÃI BIỂN
Cũng là “lính mới” trong cuộc thi lần này nhưng Nguyễn Hồng Văn, HS lớp 10 Anh văn 2 cũng xuất sắc giành giải Ba toàn cuộc với dự án “Xe vệ sinh bãi biển sử dụng năng lượng mặt trời”. Hồng Văn chia sẻ, xuất phát từ thực trạng rác thải ở các bãi biển Vũng Tàu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, em nảy ra ý tưởng nghiên cứu một chiếc xe vệ sinh bãi biển bán tự động với những tính năng ưu việt, chưa từng có trong các nghiên cứu trước đây như: vượt được địa hình phức tạp, sử dụng pin năng lượng mặt trời, ít tạo tiếng ồn, khói bụi... Trong quá trình thực hiện dự án, do không có sẵn nguyên vật liệu nên nhiều linh kiện, thiết bị đều do Văn mày mò “tự chế”. Ngay cả phần vỏ xe cũng được làm thủ công với sự hỗ trợ của thợ cơ khí. Nguyễn Hồng Văn cho hay, chỉ cần dùng điện thoại di động điều khiển từ xa, chiếc xe sẽ di chuyển trên bãi biển để sàng cát, thu gom rác. So với phương pháp thu gom rác hiện nay, chiếc xe này giúp giảm nhiều nhân công và chi phí. “Em sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm giảm giá thành sản phẩm đến mức tối đa để có thể sản xuất đại trà, góp phần làm sạch nhiều bãi biển trên khắp đất nước”, Hồng Văn cho biết thêm.
.
HS Nguyễn Hồng Văn điều khiển mô hình máy dọn rác tự động.
MÊ NGHIÊN CỨU BẦU TRỜI
Là gương mặt quen thuộc của cuộc thi KHKT dành cho HS trung học, Nguyễn Lê Kỳ Anh, HS lớp 11 Lý, Chủ nhiệm CLB Thiên văn BR-VT, đã tham gia cuộc thi này từ năm học lớp 8 và từng đoạt giải ở lĩnh vực Vật lý thiên văn. Năm nay, Kỳ Anh cùng Nguyễn Hoàng Thuận, HS lớp 12 Toán 1 tham gia cuộc thi với dự án “Chế tạo kính thiên văn cơ bản cho HS THPT và SV dùng để nghiên cứu Ngân Hà và các vật thể khác qua dải sóng vô tuyến”. Kỳ Anh cho biết, hiện nay bộ môn Thiên văn học nói chung và Vật lý thiên văn nói riêng đang ngày một phát triển tại Việt Nam. Tuy vậy, việc quan sát khá hạn chế do các thiết bị không nhiều, phổ biến nhất vẫn là kính thiên văn quang học hoạt động ở một dải sóng hẹp. Từ thực tế nêu trên, nhóm nghiên cứu của Kỳ Anh chọn đề tài chế tạo kính thiên văn cơ bản, có kích thước nhỏ từ những vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền hơn rất nhiều như: chảo parabol thu sóng vệ tinh C-Band, ống thu sóng, bộ tiền khuếch đại nhiễu thấp, bộ thu và xử lý tín hiệu. Để hoàn thiện dự án, Kỳ Anh và Hoàng Thuận đã đầu tư nhiều công sức để tìm mua thiết bị qua các trang mua bán quốc tế và thử nghiệm để tìm ra thiết bị phù hợp. Đến nay, sản phẩm này đã khắc phục được các hạn chế của kính thiên văn quang học, nghiên cứu và quan sát được các vật thể trong vũ trụ ở tần sóng vô tuyến trong dải tần 1.420 MHz, thu phổ một cách chính xác. Dự án đã đem lại cho hai chàng trai đam mê nghiên cứu bầu trời giải Ba toàn cuộc. “Qua dự án này, chúng em mong muốn HS và SV trong nước có điều kiện nghiên cứu sâu hơn vật lý thiên văn, ngành khoa học đầy lý thú nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam”, Nguyễn Hoàng Thuận, đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Chia sẻ bí quyết giúp nhiều HS của nhà trường đoạt giải cao, thầy Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: Sau khi phát động cuộc thi, nhà trường đã lựa chọn những ý tưởng hay, phối hợp với Sở KHCN cùng các nhà khoa học tại các trường ĐH, Viện nghiên cứu… hướng dẫn, định hướng để các em biến ý tưởng thô sơ thành đề tài khoa học. Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học sôi động, tích cực, đưa phong trào nghiên cứu gắn với từng môn học cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng GV. |