Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN
Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, áp dụng hình thức bảo tồn chuyển vị (ex-situ) để phục hồi và bảo tồn loài Trai tai tượng vảy tại Côn Đảo” (09/02/2017)
-   +   A-   A+   In  

Sáng 17/01/2017, Sở KH&CN đã tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu dự án cấp tỉnh “Nghiên cứu, áp dụng hình thức bảo tồn chuyển vị (ex-situ) để phục hồi và bảo tồn loài Trai tai tượng vảy (Tridacna squamosa) tại Côn Đảo năm (2014-2016)” do KS. Nguyễn Đức Thắng làm chủ nhiệm, Ban quản lý Vườn quốc gia huyện Côn Đảo là cơ quan chủ trì. 

Mục tiêu đề tài nghiên cứu áp dụng hình thức bảo tồn chuyển vị loài Trai tai tượng vảy (TTTV) tại vùng biển Côn Đảo, nhằm phục hồi và bảo tồn chúng trong môi trường tự nhiên góp phần bảo tồn đa dạng sinh học biển và phát triển bền vững ngành Thủy sản của Việt Nam.

 

Côn Đảo là quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm về hướng Đông Nam thuộc tỉnh BR-VT, cách thành phố VT 179 km về hướng Đông Nam. Vùng biển Côn Đảo có đầy đủ 3 hệ sinh thái biển đó là Hệ sinh thái Rừng ngập mặn, hệ sinh thái Cỏ biển, hệ sinh thái Rạn san hô, có 1.723 sinh vật biển trong đó có 72 loại quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng có tên trong danh sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới trong đó có nhiều loại đặc hữu  quý hiếm như rùa biển, cá heo… Bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển, sự đa dạng sinh học và các loại động vật, thực vật bản địa, quý hiếm, các sinh cảnh tự nhiên độc đáo của Côn Đảo để Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành một trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học có tầm quan trọng của quốc gia và quốc tế.

 

Sau thời gian 2 năm thực hiện đề tài, công tác khảo sát sự phân bố và bước đầu xác định đăc tính sinh vật học đã được tiến hành; đồng thời, đã thực hiện di dời được 90 cá thể TTTV có SCL (chiều dài đường cong vỏ) ≥ 20cm, từ các vùng biển phụ cận đến 03 khu vực khoanh nuôi phục hồi thực nghiệm. Kết quả ghi nhận cho thấy mật độ TTTV phân bố tại vùng biển Côn Đảo, trung bình gần 2.000 m² ghi nhận 1 cá thể. Các vùng biển ở xa và ít được lực lượng kiểm lâm kiểm soát có mật độ phân bố TTTV rất thấp. Với số lượng cá thể TTTV thành thực phân bố trung bình gần 2.000 m² dẫn đến việc đẻ trứng và phóng tinh trùng khó gặp nhau nên mật độ con non (SCL < 20 cm chỉ ghi nhận chiếm 9% tổng số) chiếm tỷ lệ rất thấp điều này cho thất quần thể TTTV ở Côn Đảo đang mất cân bằng và khả năng tuyệt chủng là rất cao trong tương lai gần. Các cá thể sau khi dời về khu khoanh nuôi phục hồi đã ghi nhận sự tăng trưởng SCL của chúng sau 21 tháng là 5,40cm. Đã ghi nhận 01 cá thể TTTV con vào năm 2016 tại khu khoanh nuôi hòn Tre Lớn. Kết quả số cá thể di dời về 3 khu khoanh nuôi phục hồi tỷ lệ sống có trên 94% số lượng trong 21 tháng, điều kiện sinh thái của TTTV đang rất thuận lợi giống như ở môi trường tự nhiên.

 

Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, kết quả nghiên cứu là cơ sở để đề xuất việc xây dựng mô hình phục hồi thuận lợi nhất để duy trì nguồn giống và tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn lợi Trai tai tượng sinh trưởng và phát triển tốt để phục hồi và duy trì nguồn gen ở vùng rạn san hô tại Côn Đảo và các vùng biển tương tự của Việt Nam. Kết quả thực hiện đề tài được Hội đồng đồng ý nghiệm thu và xếp loại khá.

Nguồn: Nguyễn Tuyết

Số lượt đọc: 4517

Về trang trước Về đầu trang