Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu công nghệ sản xuất nhôm hydroxit và alumin siêu mịn (18/11/2016)
-   +   A-   A+   In  

Nhôm oxit siêu mịn hay còn gọi là alumin siêu mịn có nhiều ứng dụng đa dạng và phong phú mà alumin công nghiệp không đáp ứng được, chủ yếu là do kích thước hạt lớn. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có nhà máy hóa chất Tân Bình sản xuất nhôm hydroxit và nhà máy alumin Tân Rai sản xuất alumin phục vụ cho công nghiệp điện phân nhôm là theo quy mô công nghiệp. Cho đến nay, chưa có tài liệu công bố về sản xuất alumin siêu mịn (kể cả trong phòng thí nghiệm hay trong sản xuất).

Trên thế giới, có nhiều phương pháp sản xuất alumin siêu mịn. Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng bắt nguồn từ những nguyên liệu ban đầu khác nhau.

 

Ngày 10/2/2014, Bộ Công thương đã cho phép Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất nhôm hydroxit và alumin siêu mịn” để lựa chọn công nghệ phù hợp với nguồn nguyên liệu và định hướng phát triển công nghiệp sản xuất alumin của Việt Nam. Đề tài này do KS. Nguyễn Hồng Quân làm chủ nhiệm.

 

Từ những kết quả thí nghiệm nghiên cứu sản xuất nhôm hydroxit và alumin siêu mịn đã có những kết luận sau:

- Đã lựa chọn được phương pháp sản xuất nhôm hydroxit và alumin siêu mịn là phương pháp kiềm, dựa trên công nghệ Bayer, từ nguyên liệu ban đầu là nhôm hydroxit của nhà máy alumin Tân Rai.

- Đã tiến hành thí nghiệm khảo sát chế độ hòa tách. Chế độ công nghệ của quá trình hòa tách như sau: nhiệt độ 90oC, thời gian 2h; tỷ lệ R/L: 1/5, nồng độ dung dịch kiềm: 200 g/l.

- Đã tiến hành thí nghiệm khảo sát chế độ khuấy phân hóa dung dịch natri aluminat và thu được sản phẩm nhôm hydroxit siêu mịn. Chế độ công nghệ của quá trình khuấy như sau: tỷ số mầm: 0,5; nhiệt độ 30oC, thời gian 30h, nồng độ dung dịch 120g/l. Chất lượng nhôm hydroxit đạt Fe2O3 ≤ 0,01%; SiO2 gần bằng 0,05%; MKN xấp xỉ 1,1%, kích thước hạt trung bình 2,8 µm.

- Đã ứng dụng thử nghiệm thành công trên mẫu thử áo giáp chống đạn do Viện Công nghệ , Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thực hiện, đạt các yêu cầu về tính năng sử dụng.

 

Nguyên liệu của đề tài nghiên cứu là nhôm hydroxit sản xuất từ bauxite theo quy trình Bayer. Để giảm bớt các công đoạn chế biến, nâng cao hiệu quả kinh tế, các tác giả đề nghị được nghiên cứu sản xuất nhôm hydroxit và alumin siêu mịn trực tiếp từ dung dịch natri aluminat sau quá trình hòa tách bauxite của nhà máy sản xuất alumin tại Việt Nam.

 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11194/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 7582

Về trang trước Về đầu trang