Tin KHCN trong nước
Công trình KH&CN xuất sắc đạt giải nhất Nhân tài Đất Việt 2016 (24/11/2016)
-   +   A-   A+   In  
Với công trình xuất sắc của mình, tác giả Trần Văn Trà đã đoạt giải nhất trong lĩnh vực KH&CN của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016.

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 đã chính thức khép lại, giải nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được trao cho công trình “Nghiên cứu cải tiến, thiết kế chế tạo, đồng bộ hóa chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ” của thạc sĩ Trần Văn Trà thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen (Thái Bình).

Chia sẻ sau khi là người đạt giải thưởng danh giá trên, ông Trà cho biết cảm thấy rất vinh dự và coi đây là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với cá nhân ông.

“Qua đây tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để có nhiều công trình khoa học có giá trị cao góp phần vào sự phát triển KH&CN của đất nước, đồng thời rất kỳ vọng rằng: các sản phẩm đoạt giải hôm nay  cũng sẽ tạo được thêm uy tín bởi sự khẳng định của chính giải thưởng uy tín này từ đó có sự lan rộng và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa” – ông Trà cho biết.

Ông Trà cho biết, tại Việt Nam phần lớn dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất lớn (50.000 lon/giờ) được mua hoặc thuê các hãng nước ngoài thiết kế, lắp đặt, chi phí khoảng hơn 120 tỷ đồng. Trước bất cập này, ông đã quyết tâm nghiên cứu tạo ra dây chuyền tốt tương đương, nhưng rẻ và phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ về sản phẩm này, ông Trà cho biết đây là dây chuyền chiết rót, đóng gói có quy mô, công suất lớn đầu tiên ở Việt Nam, với tỷ lệ tự thiết kế chế tạo và cải tiến cao thay cho các dây chuyền nhập khẩu đồng bộ. Nghiên cứu này đã được ứng dụng vào thực tiễn từ năm 2014.

“Tôi muốn tạo ra mẫu dây chuyền tự động đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng ngang tầm quốc tế, để hàng hóa, nông sản chế biến được đóng gói trên dây chuyền đảm bảo và giá thành thấp để các cơ sở chế biến nông sản dần dần đủ khả năng trang bị cho mình. Chi phí đầu tư cho dây chuyền này chỉ 32,8 tỷ đồng” - ông Trà nói.

Công trình Nghiên cứu cải tiến, thiết kế chế tạo, đồng bộ hóa chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ của thạc sĩ Trần Văn Trà đạt giải nhất trong lĩnh vực KH&CN của giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016

Theo đó, trong thiết kế chế tạo dây chuyền sang chiết và đóng hộp tự động có quy mô và công suất lớn 50.000sp/h (tức 900 sản phẩm/phút), có tỷ lệ thiết bị nội địa tự tạo chiếm tới trên ¾, mức độ đồng bộ, tự động hóa cao đầu tiên ở Việt Nam. Hầu hết các công đoạn đều có những giải pháp kỹ thuật sáng tạo mới.

Nguyên lý hoạt động của dây chuyền là hoạt động tự động với hệ thống điều khiển thông minh có kết nối tín hiệu giữa các hệ thống nhằm đạt công suất, chất lượng cao, giảm thiểu lỗi sản phẩm trong quá trình vận hành. Quy trình chiết lon, đóng hộp hoàn toàn khép kín và được giám sát chặt chẽ.

Vỏ lon sau khi được cấp vào dây chuyền bằng máy cấp lon rỗng sẽ được đưa tới hệ thống băng tải lon rỗng. Băng tải có chức năng chuyển lon rỗng từ máy này đến máy khác sao cho đủ số lượng và không bị bẹp, méo, xước. Sau đó vỏ lon được chuyển qua hệ thống súc rửa trước khi chiết. Vỏ lon đã được rửa sạch được đưa tới máy chiết lon, ghép mí, cấp nắp và máy kiểm tra mức chiết, máy thanh trùng. Sau quá trình thanh trùng và xì khô lon, các sản phẩm đóng lon được di chuyển bằng băng tải sau thanh trùng và in mã. Quá trình đóng lon vào thùng hai mảnh hay một mảnh là khâu cuối cùng được thực hiện trong chuỗi dây chuyền. Có công suất 50.000 lon/giờ, vì vậy, so với dây chuyền cũ, sản lượng chiết suất của dây chuyền mới tăng gấp 4 lần, đáp ứng sản lượng 200 triệu lít/năm.

Hướng tới mục tiêu chuỗi dây chuyền có thể chiết lon, đóng thùng nhiều chủng loại nước giải khát, bia và các sản phẩm nông, thủy sản đóng hộp khác với chất lượng cao, tác giả đã cải tiến, chế tạo mới nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều được nghiên cứu, thiết kế riêng nhưng vẫn đảm bảo tính logic, thống nhất và tốc độ vận hành.

Cụ thể, nhằm hạn chế lực va đập, cọ xát giữa các vỏ lon trong quá trình vận chuyển, tác giả chế tạo hệ thống băng tải không áp lực, thay thế băng tải nhựa bằng dây cáp bọc nhựa. Để tăng năng suất, hiệu quả hoạt động máy gắp, tránh tình trạng máy “ngủ đông”, tác giả đã cải tiến máy sao cho có thể gắp cả lon và chai chứ không chỉ gắp chai vào két nhựa như ban đầu. Bên cạnh đó, tác giả đã sử dụng các ụ định vị hộp lắp trên xích vận hành liên tục nên kết cấu máy dán thùng phun keo tự động có thiết kế đơn giản, dễ vận hành, giảm tối đa chi phí bảo trì, tiêu hao năng lượng.

Một số hệ thống máy móc thiết bị trong dây chuyền do có thiết kế đặc biệt nên có thể hoạt động tốt trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như: độ ẩm cao, độ mặn cao …mà các thiết bị khác không thể hoạt động được.

Ngoài ra, dây chuyền tự động đóng gói này tuy có sử dụng nhiều loại sensor cảm biến hiện đại của nước ngoài nhưng lại chọn mua riêng từng loại và sáng tạo trong việc tích hợp chúng trên hệ điều khiển tổng thể. Vì không nhập trọn gói cả hệ thống nên mức đầu tư thấp hơn nhiều mà vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Theo ông Trà, dây chuyền này có thể ứng dụng cho nhiều ngành, đặc biệt là những sản phẩm gắn liền với nông nghiệp, nông thôn.  

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 5855

Về trang trước Về đầu trang