Tin KHCN trong nước
Việt Nam có quá ít doanh nghiệp khoa học và công nghệ (06/10/2016)
-   +   A-   A+   In  

Đây là thông tin từ Báo cáo giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới” được trình bày tại phiên họp của UBTVQH chiều 4-10.

Theo đó, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 là 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm, đạt mức cao so với mục tiêu.

 

Toán học, Vật lý và Hoá học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chiếm 40% tổng công bố quốc tế trong 5 năm qua. Riêng Toán học, chúng ta có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

 

Tính tổng số công bố quốc tế trong giai đoạn 2011-2015, chúng ta xếp thứ 59 trên thế giới (so với thứ 66 trong giai đoạn 2006-2010 và thứ 73 trong giai đoạn 2001-2005) và thứ 4 của Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 32 thế giới), Malaysia (thứ 38) và Thái Lan (thứ 43).

 

Về số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ, giai đoạn 2011-2015, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ cũng tăng 62% so với giai đoạn 2006-2010. Cụ thể, số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn 2011-2015 là 22.674 (giai đoạn 2006-2010 là 15.989); số văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn tương ứng là 6.391 và 3.940.

 

Tuy nhiên, số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo kết quả điều tra năm 2014, cả nước có 164.744 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D (14 người/vạn dân), trong đó số cán bộ nghiên cứu có trình độ cao đẳng và đại học trở lên là 128.997 người. Nếu quy đổi toàn thời gian (FTE), số lượng cán bộ R&D của Việt Nam chỉ đạt 7 người/ 1 vạn dân. Mặc dù nhân lực R&D của Việt Nam có tăng trong những năm qua nhưng còn rất thấp so với các nước phát triển, cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ trên dân số, chất lượng nguồn nhân lực cũng còn hạn chế. Trong khi mục tiêu đề ra là số lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) đạt 9-10 người/1 vạn dân vào năm 2015 và 11-12 người/1 vạn dân vào năm 2020.

 

Tương tự, số lượng cơ sở ươm tạo công nghệ cao (CNC) và doanh nghiệp CNC cũng chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện mới chỉ có 9 cơ sở ươm tạo CNC và ươm tạo doanh nghiệp CNC đã được xây dựng và đi vào hoạt động, đạt chưa đến 30% mục tiêu. Đó là chưa kể nhiều cơ sở ươm tạo CNC và doanh nghiệp CNC chỉ hoạt động như một đơn vị cho thuê phân xưởng và máy móc. Nhiều dịch vụ quan trọng khác như đào tạo, tư vấn, kết nối nhà đầu tư, kết nối với các doanh nghiệp lớn vẫn chưa được cung cấp; hạn chế các cơ sở ươm tạo CNC và ươm tạo doanh nghiệp CNC phát huy vai trò trong việc hỗ trợ việc hình thành CNC và doanh nghiệp CNC ở Việt Nam.

 

Số doanh nghiệp khoa học và công nghệ  được hình thành cũng rất thấp. Tính đến tháng 11-2015, chỉ có 204 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ  (tổng số cả nước có 2.800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có 400 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu CNC, 34 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp CNC; 818 doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và có nhu cầu được cấp chứng nhận (tập trung chủ yếu trên địa bàn Hà Nội và TPHCM); 1.400 doanh nghiệp phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Nguồn: SGGP

Số lượt đọc: 3922

Về trang trước Về đầu trang