Sản phẩm vừa được trao giải nhất lập trình phần cứng tại hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2016. Trưởng nhóm cũng là người đề xuất ý tưởng cho thiết bị này là Đặng Thế Thiên Anh, nữ sinh lớp 8 Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Cần Thơ). Hai cộng sự gồm một bạn học cùng lớp tên Võ Khắc Huy, một là Trần An Khánh (học sinh lớp 7 Trường THCS An Hòa 1).
Thiên Anh kể đầu năm 2016 khi xem một bài báo viết về một cụ già 80 tuổi bị đột quỵ, té ngã nhưng không ai hay để cứu nên cụ tử vong, Thiên Anh nung nấu ý tưởng làm một thiết bị có thể tự động báo tin có người té ngã để được cứu giúp kịp thời.
Từ tháng 5/2016, sau khi đã xong việc thi học kỳ 2, cả ba học sinh dồn sức để biến ý tưởng thành hiện thực. Nhiều vấn đề “đau đầu” được các bạn đưa ra: nạn nhân ngã mà xung quanh không có người, có người nhưng họ không giúp, nạn nhân nằm nghỉ mà máy báo ngã hoặc nạn nhân ngã mà không đủ lực làm máy không báo thì xử lý làm sao?
Sau rất nhiều lần bàn luận cùng sự hướng dẫn tận tình của thầy Nguyễn Khắc Nguyên ở Trường ĐH Cần Thơ, các câu hỏi trên đã được trả lời.
“Thiết bị phát hiện té ngã thông minh” là một hộp nhựa cỡ bằng hai chiếc điện thoại di động ghép lại, được tận dụng từ chiếc hộp đóng mở cửa bằng thẻ từ, nhóm sáng chế dùng khoan để khoét lỗ tạo các vị trí đặt công tắc đóng - mở, nút bấm SOS, loa...
Dây đeo quanh lưng được lấy từ... quai đeo giỏ xách, đèn LED ba màu và loa tận dụng từ những chiếc lồng đèn trung thu điện tử, nguồn năng lượng là hai viên pin cạy ra từ pin máy tính xách tay... Tổng trọng lượng của thiết bị chỉ khoảng 200 gam.
“Máy tính toán chính xác khi nạn nhân ngã xuống có tốc độ và góc nghiêng bao nhiêu thì xác định là té ngã, tránh hiểu nhầm khi người dùng nằm xuống nghỉ ngơi”.
“Khi có trường hợp té ngã, máy sẽ phát thông báo bằng tin nhắn SMS “Người thân đã bị té ngã” đến số điện thoại hai người thân của nạn nhân được cài sẵn; đồng thời máy phát ra âm thanh cấp cứu và đèn chớp sáng liên tục để thu hút sự chú ý của những người xung quanh” - Khánh vừa cho chiếc máy hoạt động, vừa giải thích.
Không chỉ có vậy, khi nhận được tin nhắn SMS từ thiết bị, người thân nạn nhân có thể gọi thẳng vào máy để nắm thông tin nhanh về vị trí gặp nạn, tình trạng sức khỏe... từ nạn nhân hoặc những người xung quanh.
Ngoài ra, trên máy còn có nút SOS để phòng khi người dùng ngã thật nhưng số liệu phân tích chưa đến mức máy tự động báo thì nạn nhân hoặc người xung quanh nhấn nút để đưa tin nhắn SMS đến người thân ở xa...
Theo Thiên Anh, ngay từ bây giờ nhóm đã thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu lắp thiết bị và phần mềm tích hợp GPS để khi nạn nhân ngã là người nhà biết ngay vị trí, âm thanh báo động của máy cũng phải khuếch đại hơn nữa...