Tin KHCN nước ngoài
Chim bồ câu ở thành phố giúp các nhà nghiên cứu theo dõi ô nhiễm chì (26/07/2016)
-   +   A-   A+   In  

Một nghiên cứu mới của Hoa Kỳ đã chứng minh hàm lượng độc tính trong chim bồ câu ở thành phố là tín hiệu tốt để xác định nguy cơ nhiễm độc chì ở trẻ em.

Khi các nhà nghiên cứu so sánh hàm lượng chì có trong những con chim bồ câu ở thành phố New York với lượng chì đo được ở trẻ em nơi đây, những con số có sự tương đồng lớn về mặt địa lý.

 

PGS. Rebecca Calisi tại trường Đại học California, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Chim bồ câu hít thở bầu không khí tương tự như con người, đi bộ trên cùng vỉa hè và thường xuyên ăn thức ăn giống chúng ta. Liệu chúng ta có thể sử dụng chúng để theo dõi khả năng tác động của những mối nguy hiểm trong môi trường như ô nhiễm chì đến sức khỏe của chúng ta hay không?".

 

Nhóm nghiên cứu đã đo hàm lượng chì trong các mẫu máu lấy từ 825 con chim bồ câu bị bệnh hoặc bị thương đang được điều trị tại một trung tâm phục hồi sức khỏe chim hoang dã New York trong giai đoạn 2011 - 2015. Mỗi con chim đã được xác định bằng mã vùng nơi nó được tìm thấy.

 

Các nhà khoa học đã so sánh kết quả nghiên cứu với kết quả của Sở y tế và vệ sinh tâm thần thành phố New York thường xuyên làm nhiệm vụ sàng lọc trẻ em sống trong các khu vực lân cận có lịch sử ô nhiễm chì. Bộ dữ liệu cho thấy có sự tương đồng ở mức cao. PGS. Calisi tin rằng đây là lần đầu tiên hàm lượng chì trong chim bồ câu đã được chứng minh tương ứng với ở người.

 

Dữ liệu thu thập cho thấy hàm lượng chì trong chim bồ câu tăng vọt vào những tháng mùa hè, giống như những gì các nhà nghiên cứu y tế công cộng đã phát hiện thấy ở trẻ em. Nhóm nghiên cứu không chắc chắn nguyên nhân gây ra hiện tượng này hay nơi chim bồ câu tiếp xúc với chì. Dù chì đã bị cấm sử dụng trong xăng và sơn trong nhiều thập kỷ qua, nhưng kim loại độc hại này vẫn được tìm thấy trong các lớp sơn cũ của các tòa nhà ở thành phố New York.

 

Các địa điểm xây dựng có thể đã giải phóng bồ hóng và sol khí chứa chì vào trong không khí mà chim bồ câu đã bị nhiễm khi nuốt sỏi để hỗ trợ tiêu hóa. Vì chim bồ câu không di cư và chủ yếu vẫn ở trong vài dãy phố trong gần như cả vòng đời, do vậy, chúng có thể được sử dụng để theo dõi các loại độc tố khác trong môi trường.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 2762

Về trang trước Về đầu trang