Các nhà khoa học thuộc ĐH Khoa học kỹ thuật Thượng Hải (Trung Quốc) mới đây đã chế tạo ra một loại keo dán sinh học mới có khả năng kết dính ngay cả trong môi trường nước, phục vụ tốt cho công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền.
Nghiên cứu này xuất phát từ ý tưởng quan sát các động vật như trai, hàu... sống dưới đáy biển. Các nhà khoa học nhận ra rằng, các loài trên tiết ra các protein tự nhiên giúp chúng bám dính rất tốt trên bề mặt đá hay đáy tàu.
Chao Zong - người đứng đầu nghiên cứu và các cộng sự đã tìm cách kết hợp protein trên với các vật liệu sinh học khác để tạo nên loại keo mới.
Thí nghiệm ban đầu đã không thu được thành công khi các chuyên gia sử dụng vi khuẩn E.coli trong việc kết hợp. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi trong thí nghiệm tiếp theo.
Cụ thể, Chao Zong và đồng sự đã kết hợp một protein có tên là curli để tạo ra dạng protein sợi. Những protein sợi này đan xen với nhau, tạo ra một mắt lưới lớn và phức tạp, có sức bền rất tốt.
Mặc dù có cấu trúc không quá xuất sắc nhưng chất liệu này thể hiện được sự linh hoạt, gắn kết chặt chẽ trong cả trường hợp bề mặt đó khô hay ẩm ướt.
Giáo sư hóa học và hóa sinh học Herbert Waite thuộc ĐH California - người tham gia nghiên cứu cho biết: "Công trình này vô cùng sáng tạo và kỹ lưỡng, chúng có thể giúp chúng tôi tạo ra được một loại keo độc đáo, có thể gắn được trong nhiều môi trường khác nhau".
Từ đây, các chuyên gia hi vọng sẽ phát triển hơn nữa loại keo này có độ kết dính và cải thiện độ bền tốt hơn của vật liệu. Nhóm nghiên cứu hi vọng trong thời gian tới sẽ có thể chế tạo ra loại "keo sống", tự kiểm định được thiệt hại của bề mặt và sau đó sửa chữa bằng cách tiết ra một chất keo dính đặc biệt, tự hàn gắn vết nứt.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Nanotechnology.