Tin KHCN trong nước
Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam (10/06/2016)
-   +   A-   A+   In  
Sáng 10/6/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Thái Nguyên”. Hội thảo nhằm giới thiệu các kết quả và kinh nghiệm thực hiện dự án trình diễn công nghệ sản xuất gạch bê tông tại Nhà máy xi măng Lưu Xá, tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 19/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là Cơ quan chủ quản Dự án, Bộ Xây dựng là Cơ quan đồng thực hiện.


Từ sau Hội thảo Khởi động ngày 29/5/2015, Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” đã tổ chức thực hiện các hoạt động của 4 hợp phần, phối hợp với Bộ Xây dựng điều tra đánh giá lại những kết quả đã đạt được của Chương trình Phát triển gạch không nung (GKN) của Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 567). Dự án phối hợp với chuyên gia quốc tế và trong nước xây dựng tài liệu đào tạo để chuẩn bị thực hiện 15 khóa đào tạo trong năm 2016 và 2017 cũng như kết hợp với các tổ chức tài chính xây dựng hướng vay vốn để đầu tư sản xuất GKN. Dự án thành công trong việc lựa chọn 3 dự án trình diễn công nghệ sản xuất GKN, trong đó tiên phong đi trước là dự án trình diễn sản xuất gạch bê tông bằng công nghệ ép rung tại Nhà máy Xi măng Lưu Xá, Thành phố Thái Nguyên.

Mục tiêu cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ: Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam” có mục tiêu tổng quát là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam. Mức giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383.000 tấn CO2. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13,4 triệu tấn CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.

 


Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN chia sẻ tại Hội thảo


Mục tiêu của dự án phù hợp với chiến lược của Quỹ Môi trường toàn cầu về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển của Việt Nam về an ninh năng lượng và an ninh lương thực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính và phù hợp với Chiến lược bảo vệ môi trường Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030. Việc thực hiện dự án đáp ứng được các mục tiêu cụ thể của Chiến lược bảo vệ môi trường Việt Nam, đó là: Giảm về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường; Khắc phục, cải tạo môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; Cải thiện điều kiện sống của người dân; Giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…

Cũng theo ông Hậu, Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” được thiết kế nhằm xóa bỏ các rào cản phát triển GKN thông qua việc thực hiện 4 chương trình hợp phần về hoàn thiện và thực thi chính sách, nâng cao năng lực kỹ thuật cho các đối tác liên quan, tăng cường các nguồn tài chính cho đầu tư ứng dụng công nghệ sản xuất GKN tiến tiến, trình diễn và nhân rộng công nghệ sản xuất và sử dụng GKN.

 


Ông Phạm Văn Bắc- Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)
trao đổi về định hướng phát triển vật liệu xây dựng bền vững


Nói về ưu điểm vật liệu xây không nung, ông Phạm Văn Bắc– Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Vật liệu không nung ít phát thải khí độc hại; sử dụng ít nhiên liệu; sử dụng phế thải làm nguyên liệu. Bên cạnh đó, với vật liệu nhẹ thì gạch sẽ có trọng lượng nhẹ, có khả năng cách âm, cách nhiệt; Đẩy nhanh tiến độ thi công, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp hóa ngành xây dựng.

Đã có những thành công bước đầu

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết thêm, Dự án trình diễn công nghệ sản xuất gạch bê tông bằng công nghệ rung ép đã được Ban quản lý dự án phối hợp với Nhà máy xi măng Lưu Xá, Thái Nguyên thực hiện bước đầu thành công. Dây chuyền công nghệ, thiết bị đi vào vận hành ổn định từ tháng 12/2015 đến nay. Dây chuyền đã sản xuất và tiêu thụ được 6 triệu gạch quy tiêu chuẩn. Sản phẩm GKN được sử dụng trong các công trình xây dựng trong đó có nhà điều hành Trung tâm Bến xe khách của Tỉnh Thái Nguyên, Trường mầm non Cao Ngạn- Thái Nguyên.

 


Một quy trình xử lý GKN ở Nhà máy xi măng Lưu Xá


Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Bằng, Giám đốc Nhà máy xi măng Lưu Xá cho biết: “Việc đầu tư vào sản xuất GKN phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tỉnh Thái Nguyên theo xu thế tất yếu của thời đại. Dự án gạch bê tông tại Nhà máy xi măng Lưu Xá có lợi thế lớn là tận dụng được nhà xưởng, nguyên vật liệu và mạng lưới tiêu thụ vật liệu xây dựng có sẵn. Sản phẩm gạch bê tông rẻ hơn gạch đất sét nung từ 15% - 25% trong khi chất lượng vượt trội hơn. Hiện tại nhu cầu của thị trường đang gia tăng nhanh. Dự án có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả năng lượng và môi trường. Khi sản xuất đủ 40 triệu viên gạch quy tiêu chuẩn/năm thì hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính là 10.000 tấn CO2/năm và tiết kiệm 2.165 TOE/năm (Tấn dầu quy đổi/năm) so với công nghệ sản xuất gạch đất nung bằng lò tuy-nen”.

Theo đánh giá của những công ty sử dụng GKN trong xây dựng thì GKN ít thấm nước, có độ chịu lực rất cao nên đảm bảo độ vững chắc và ổn định của công trình. Thi công gạch GKN dễ hơn gạch nung nhiều do bề mặt phẳng không bị cong vênh. Bên cạnh đó, GKN giá rẻ hơn gạch đất sét nung nên giảm được chi phí.

“GNK bền chắc hơn và ít gãy vỡ trong quá trình thi công nên giảm thiểu được hao hụt. Tính trung bình tỷ lệ gãy vỡ của GNK chỉ khoảng 1% so với 5% của gạch nung. Thứ ba, kích thước của gạch không nung chính xác, bề mặt phẳng nên dễ tính toán khối lượng, thi công chuẩn xác, tiết kiệm vữa xây và trát hơn khi thi công so với gạch đất sét nung”- Ông Nguyễn Hùng Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Bình, Thái Nguyên cho biết.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 5862

Về trang trước Về đầu trang