Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên (24/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Cát nhân tạo (cát xay) được nghiên cứu để thay thế cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt...

Ngày 20/10/2017, Sở GTVT TP HCM phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ GTVT tổ chức hội nghị giới thiệu vật liệu, công nghệ mới trong xây dựng công trình. Đề tài nghiên cứu về công nghệ chế tạo cát nhân tạo (cát xay) thay thế cát tự nhiên.

Theo Viện khoa học và công nghệ GTVT, mỗi năm nước ta cần 100 triệu m3 cát cho bê tông, cứ đà này khoảng 5 năm nữa cát tự nhiên sẽ cạn kiệt. Do vậy cần thiết phải sử dụng cát nhân tạo hay còn gọi là cát xay. Cát xay là sản phẩm công nghiệp được sản xuất bằng cách nghiền đá tự nhiên có cấu trúc đặc, chắc đến các cỡ hạt đạt yêu cầu dùng chế tạo bê tông (bê tông nhựa và bê tông xi măng). Đặc biệt cát xay rẻ hơn cát tự nhiên 10 - 15%, đá gốc tại miền Nam có thể sử dụng để sản xuất cát xay. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất đủ phục vụ nhu cầu của ngành.

Ưu điểm của cát xay có tỷ lệ thành phần hạt ổn định; cát xay có độ góc cạnh lớn hơn cát tự nhiên; cát xay có lượng hạt dẹt ít hơn đá mạt, cát xay có thể kiểm soát được lượng tạp chất các tạp chất gây hại đối với bê tông như lượng bùn, sét… Vì vậy, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT kiến nghị cho phép ứng dụng rộng rãi cát xay trong bê tông nhựa, bê tông xi măng tại TP HCM; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị sản xuất cát xay theo công nghệ ly tâm.

Đại diện Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Sư tử biển cho rằng, sở dĩ cát nhân tạo sẽ dần thay thế cát sông, vì cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt do tốc độ khai thác nhanh hơn nhiều so với tốc độ bồi lắng, chất lượng ngày càng giảm, giá luôn thay đổi theo tình trạng khai thác. Còn cát nhân tạo (cát nghiền) nguồn khai thác là các mỏ đá được quy hoạch và kiểm soát, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ qua công nghệ nghiền ly tâm và sàng, giá ổn định. Do vậy, cơ quan chức năng nên nghiêm cấm ngay việc sử dụng cát thiên nhiên không đúng tiêu chuẩn, tăng tỷ lệ bắt buộc cát nhân tạo đúng tiêu chuẩn lên trên 80% trong tất cả các lĩnh vực bê tương tươi, đúc sẵn, nhựa nóng.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM đề nghị các đơn vị nghiên cứu ứng dụng cát nhân tạo vào sử dụng trong các công trình xây dựng hạ tầng giao thông sắp tới. Viện khoa học và Công nghệ GTVT sẽ nghiên cứu cấp phối công trình cát nhân tạo sử dụng công trình giao thông, các doanh nghiệp để xuất giá cả hợp lý theo quy định.

Nguồn: Báo giao thông

Số lượt đọc: 2396

Về trang trước Về đầu trang