Tin KHCN trong tỉnh
Cầu nối giúp nông dân ứng dụng khoa học vào sản xuất (22/04/2014)
-   +   A-   A+   In  

Đã có 35 trạm thông tin điện tử Khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do Sở K H-CN triển khai trên địa bàn tỉnh. Đây là kênh giúp cho đội ngũ cán bộ cơ sở và các chi hội nông dân khai thác và ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

                                                 

Cán bộ Trung tâm tin học và thông tin KHCN phối hợp với Đoàn Thanh niên trường Đại học Dầu khí hướng dẫn bà con nông dân ở thôn Bàu Hàm, xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) sử dụng máy tính khai thác Internet phục vụsản xuất nông nghiệp.

 

Theo ông Nguyễn Văn Quang, cán bộ Trung tâm Tin học và thông tin khoa học công nghệ thuộc Sở KH-CN, Chủ nhiệm dự án “Nhân rộng mô hình trạm thông tin điện tử Khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”: BR-VT có tốc độ phát triển công nghiệp cao, nhưng cũng là tỉnh có tỷ lệ 50% dân cư sinh sống dựa vào nông nghiệp. Việc đưa thông tin KHCN phục vụ nông nghiệp là vấn đề cần thiết để góp phần tạo nền tảng phát triển bền vững kinh tế nông thôn. Dự án đã xây dựng và hòa mạng 35 trạm thông tin điện tử KHCN tại 35 phường, xã trên địa bàn tỉnh với hàng ngàn tài liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp và chính sách dành cho khu vực nông thôn.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin KHCN cho người dân địa phương, đầu năm 2013, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) được Sở KH-CN lắp đặt 1 trạm thông tin tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ. UBND xã Phước Thuận đã thành lập ban biên tập gồm 3 người, do ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. “Thư viện điện tử của trạm có nhiều thông tin hướng dẫn bà con nông dân chọn các loại cây trồng có hiệu quả, xây dựng chuồng trại chăn nuôi đúng cách, phương pháp phòng chống dịch bệnh… rất hữu ích cho người nông dân”- ông Nguyễn Văn Sinh cho biết. Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (TP. Bà Rịa) cũng cho biết, hoạt động từ năm 2008 đến nay, trạm thông tin KHCN xã Tân Hưng đã phục vụ người dân đến truy cập và yêu cầu trạm cung cấp thông tin để phục vụ sản xuất. Để phố biến rộng rãi, trạm đã phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… cung cấp thông tin cho bà con áp dụng vào sản xuất. Theo đó, có những mô hình học tập từ đây được áp dụng vào sản xuất và đạt hiệu quả như mô hình trồng tre lấy măng của gia đình ông Lê Minh Nghĩa, ở ấp Phước Tân 5. Năm 2011, khi ông Nghĩa bắt tay vào việc trồng tre lấy măng, trạm KHCN Tân Hưng đã giúp ông rất nhiều trong việc phổ biến cách chăm sóc đúng kỹ thuật và tìm hiểu nhu cầu thị trường. Với diện tích 4ha trồng tre, hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình ông Nghĩa có thu nhập khoảng 250 triệu đồng từ măng tre.

Đánh giá hoạt động của các trạm thông tin KHCN, ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH - CN cho biết, các hoạt động tại trạm KHCN có sự nỗ lực, tâm huyết của cán bộ trạm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lãnh đạo xã chưa thực sự quan tâm, một số cán bộ trạm hoạt động chưa tích cực. Bên cạnh đó, một số người dân chưa biết sự có mặt của trạm thông tin nên chưa đến các trạm để được hỗ trợ thông tin. Vì vậy, theo ông Quang cần sự quan tâm của UBND xã, cán bộ tuyên truyền những thông tin KHCN mới đến cho người dân.

Sở KH-CN cho hay, trong thời gian tới sẽ kiến nghị với Sở Tài chính tăng kinh phí hoạt động của mô hình thông tin điện tử KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hiện tại, để mô hình thành công thì cơ sở dữ liệu luôn được cập nhật. Theo ông Mai Thanh Quang, nhiệm vụ và trách nhiệm của trạm thông tin KHCN là hướng dẫn người dân tiếp cận những thông tin hữu ích để áp dụng vào thực tiễn phục vụ phát triển nông nghiệp. Không ngồi đợi người dân tìm đến trạm mà các trạm phải hướng đến người dân, phục vụ người dân.

Nguồn: baobariavungtau

Số lượt đọc: 8960

Về trang trước Về đầu trang