Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu ứng dụng PET/CT và Cyberknife trong chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư (13/03/2016)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 09/3/2016, tại Hà Nội, Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng PET/CT và Cyberknife trong chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp biệt hóa, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi” (mã số KC.10.21/11-15). Đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/11-15) do PGS.TS Nguyễn Trọng Chính, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm chủ nhiệm. 

Được thực hiện từ ngày 01/10/2012 đến ngày 01/09/2015, đề tài hướng đến mục tiêu xây dựng chỉ định và áp dụng quy trình ứng dụng FDG PET/CT trong ung thư tuyến giáp biệt hóa; xây dựng chỉ định và áp dụng quy trình ứng dụng C-11 choline PET/CT trong ung thư tuyến tiền liệt; xây dựng được chỉ định và áp dụng quy trình ứng dụng Cyberknife trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm. 

PGS.TS Nguyễn Trọng Chính, Chủ nhiệm đề tài cho biết, triển khai đề tài nói trên, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu ứng dụng 18F-FDG PET/CT trong ung thư tuyến giáp biệt hóa có nồng độ Thyroglobulin huyết thanh cao và xạ hình toàn thân I-131 âm tính. 69 bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa đã được theo dõi và điều trị tại Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 từ tháng 10/2012 đến tháng 8/2015. 

Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng xạ trị lập thể định vị thân sử dụng Cyberknife trong điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm. Nghiên cứu được thực hiện trên 30 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn I (T1-2a, N0, M0) được điều trị và theo dõi tại Trung tâm CyberKnife và Khoa Hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ năm 2012 đến tháng 9/2015. 

Các bệnh nhân được khai thác tiền sử bệnh tật, xem xét các hồ sơ, tài liệu và thăm khám lâm sàng tỉ mỉ, giải thích mục đích, quy trình chụp hình, điều trị và theo dõi định kỳ; chẩn đoán giai đoạn và đánh giá yếu tố nguy cơ; làm các xét nghiệm thường quy; điều trị và theo dõi định kỳ;…

Kết quả, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được các quy trình công nghệ: chỉ định chụp FDG PET/CT trong ung thư tuyến giáp biệt hóa sau phẫu thuật; quy trình chụp FDG PET/CT ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa sau phẫu thuật có xạ hình I-131 âm tính và Thyroglobulin huyết thanh cao; quy trình theo dõi, đánh giá bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa sau phẫu thuật dựa vào lâm sàng, xét nghiệm máu, Thyroglobulin huyết thanh và các phương pháp y học hạt nhân; xây dựng chỉ định và quy trình điều trị xạ phẫu theo phương pháp xạ trị lập thể định vị thân bằng Cyberknife ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ; quy trình chụp FDG PET/CT trong đánh giá giai đoạn bệnh và sử dụng PET/CT trong lập kế hoạch xạ trị lập thể định vị thân bằng Cyberknife ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ; quy trình sử dụng FDG PET/CT trong theo dõi, đánh giá kết quả điều trị xạ trị lập thể định vị thân bằng Cyberknife ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm. 

Ngoài việc xây dựng thành công các quy trình nói trên, đề tài đã đào tạo 2 nghiên cứu sinh, 2 bác sĩ chuyên khoa cấp II, công bố 9 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín, trong đó có 1 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế. 

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao những kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu và cho rằng đây là đề tài có ý nghĩa khoa học, thực tiễn lớn, rất có tiềm năng để chuyển giao. Với những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua đề tài và đánh giá xếp loại Khá.

Nguồn: http://www.most.gov.vn/

Số lượt đọc: 6910

Về trang trước Về đầu trang