Tin KHCN trong nước
Hơn 5000 mô hình ứng dụng công nghệ mới sẽ được chuyển giao về nông thôn miền núi (18/12/2015)
-   +   A-   A+   In  
Là mục tiêu của Chương trình nông thôn miền núi (NTMN) giai đoạn 2016-2025 được đưa ra trong Hội thảo về cơ chế quản lý của Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025 được tổ chức ngày 12/12/2015 do Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi- Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN Bắc Giang tổ chức.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, Văn phòng Chính phủ, trường đại học và 63 Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Tiếp nối những thành công của Chương trình NTMN giai đoạn trước, giai đoạn 2016-2025, Chương trình NTMN sẽ xây dựng ít nhất 2.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Chuyển giao ít nhất 3000 lượt công nghệ mới; đào tạo, bồi dưỡng năng lực triển khai dự án, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho 3000 cán bộ; hình thành 10 doanh nghiệp KH&CN hoạt động chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển NTMN, vùng dân tộc thiểu số được hình thành từ Chương trình.

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý cụ thể, chi tiết để góp phần thực hiện thành công Chương trình trong giai đoạn mới. Một số đại biểu cho rằng, những năm qua Chương trình NTMN trong quá trình thực hiện, tại địa phương đã nảy sinh một số hạn chế đó là: Một số dự án phê duyệt song không thực hiện được; nhiều dự án sử dụng kinh phí không đúng mục đích phải xuất toán; có dự án nghiệm thu không đạt yêu cầu.

 

Trước thực trạng này, để Chương trình NTMN giai đoạn 2016-2025 đạt hiệu quả cao, cần thay đổi cơ chế quản lý phù hợp với thực tiễn. Theo đó, một số ý kiến đề xuất phải ràng buộc rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì và đơn vị chuyển giao công nghệ khi thực hiện dự án; nên quy định không cho triển khai dự án mới đối với đơn vị thực hiện dự án để xảy ra sai sót, yếu kém nhằm nâng cao chất lượng.

 

Về việc đánh giá công nghệ, cần quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền, tính pháp lý để công nhận. Bởi lẽ, nhiều sản phẩm KH&CN dù đã được hội đồng KH&CN nghiệm thu nhưng trong quá trình đề nghị công nhận gặp nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Nên quy định cụ thể tỷ lệ kinh phí dành cho hoạt động chuyển giao công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thực hiện đề xuất các nhiệm vụ. Có cơ chế thưởng điểm, bảo lưu các ý tưởng đề xuất, tránh trường hợp đánh cắp ý tưởng. ...

 

Các ý kiến tại Hội thảo được Văn phòng Chương trình NTMN tiếp thu để ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 7380

Về trang trước Về đầu trang