IoT đang ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực đời sống và công nghiệp. Các xu hướng nổi bật bao gồm quản lý từ xa và tối ưu hóa quy trình, cho phép giám sát và điều khiển hàng nghìn thiết bị từ xa, giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí vận hành. IoT cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, công nghệ điện toán đám mây đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nền tảng lưu trữ và xử lý dữ liệu mạnh mẽ, giúp các dịch vụ IoT mở rộng quy mô linh hoạt, đồng thời hỗ trợ tích hợp các giải pháp thông minh và tiết kiệm nguồn lực vận hành.
Dù mang lại nhiều lợi ích, IoT vẫn tiềm ẩn rủi ro về an ninh mạng do tính chất phức tạp và phạm vi ứng dụng rộng. Theo báo cáo năm 2023, 54% tổ chức trên toàn cầu phải đối mặt với các cuộc tấn công IoT hàng tuần, tăng 41% so với năm 2022. Các thiết bị dễ bị tấn công gồm camera an ninh, máy in, thiết bị y tế kết nối mạng. Báo cáo của công ty an ninh mạng SonicWall năm 2024 ghi nhận sự gia tăng 107% các cuộc tấn công IoT trong nửa đầu năm. Các thiết bị IoT thường có bảo mật yếu, trở thành mục tiêu dễ dàng cho tin tặc.
Ảnh minh họa.
Tại Việt Nam, IoT đang bùng nổ trong các lĩnh vực đô thị thông minh, y tế và sản xuất, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về an ninh mạng. Trong lĩnh vực nhà thông minh (Smarthome), dự kiến đến năm 2025, mỗi gia đình sẽ sở hữu trung bình 25 thiết bị IoT. Các thiết bị này, nếu không được bảo mật tốt, có thể bị lợi dụng để xâm phạm quyền riêng tư. AI trong nhà thông minh cần thu thập lượng lớn dữ liệu để vận hành hiệu quả, tạo ra thách thức về bảo mật dữ liệu cá nhân. Ông Ngô Tuấn Anh - Chủ tịch Công ty An ninh mạng SCS cho rằng hệ thống các thiết bị IoT và cảm biến trong Smarthome nếu không được bảo mật an toàn, tin tặc có thể "ngồi" trong nhà và theo dõi mọi hoạt động của gia đình.
Để đảm bảo an toàn mạng gia đình, người dùng cần cập nhật firmware cho bộ định tuyến và thay đổi mật khẩu mặc định. Thay đổi mật khẩu WiFi thường xuyên và tắt Wi-Fi khi không sử dụng cũng là những biện pháp hữu ích. Một cách khác để bảo vệ quyền riêng tư là sử dụng mạng riêng ảo (VPN), giúp bảo vệ kết nối Internet, mã hóa dữ liệu và ngăn chặn các rủi ro khi truy cập WiFi công cộng. Người dùng cũng nên chọn các thiết bị đến từ thương hiệu uy tín, tắt camera và micro khi không sử dụng và cập nhật phần mềm thường xuyên. Ngoài ra, việc tắt các tính năng không cần thiết và tạo mật khẩu mạnh cho các thiết bị IoT sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bị xâm nhập.
Nhận thức được tầm quan trọng của bảo mật IoT, Công ty Cổ phần Dịch vụ An ninh mạng VinCSS đã áp dụng tiêu chuẩn FDO (Fast Device Onboarding) vào hệ sinh thái giải pháp IoT. Năm 2022, VinCSS hợp tác với Pavana để sản xuất camera tích hợp FDO đầu tiên trên thế giới. Đến năm 2024, công ty giới thiệu WiFi router tích hợp FDO, giúp tự động hóa quy trình thiết lập và cài đặt thiết bị mạng.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cũng đóng góp lớn trong bảo mật IoT với sản phẩm VNPT IoT Guard, phần mềm bảo mật chống lại các cuộc tấn công Zero-day, linh hoạt và tương thích với nhiều hệ điều hành. VNPT IoT Guard giúp ngăn chặn các kết nối độc hại, ghi lại nhật ký nhằm điều tra và phát hiện các lỗ hổng mới, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và uy tín của nhà sản xuất thiết bị IoT.
IoT đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, nhưng đi kèm với đó là những thách thức an ninh mạng ngày càng gia tăng. Việc áp dụng các giải pháp bảo mật toàn diện và nâng cao nhận thức của người dùng là yếu tố then chốt để bảo vệ hệ sinh thái IoT, đồng thời tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ này. Các doanh nghiệp và tổ chức cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp bảo mật mới, đảm bảo sự an toàn trong bối cảnh IoT ngày càng phổ biến.