Tin KHCN trong nước
Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp (04/12/2024)
-   +   A-   A+   In  

Một trong những điểm sáng nổi bật trong quá trình cải cách hành chính tại Thừa Thiên Huế là sự thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số.

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai các dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ hành chính công một cách nhanh chóng, tiện lợi và minh bạch. Hiện nay, phần lớn các thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn đều đã được số hóa, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm bớt các quy trình phức tạp và loại bỏ sự phiền hà.

Việc hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng chính quyền số luôn được chú trọng triển khai và để lại dấu ấn rõ nét. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến trong năm 2024 có sự cải thiện rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Ở cấp tỉnh, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến năm 2024 đạt 87%, tăng gần 11,8% so với năm 2023 (75,2%).

Hiện trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã cung cấp 2.444 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 1.121 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chiếm tỷ lệ 44% và 1.323 dịch vụ công trực tuyến một phần, chiếm tỷ lệ 52%. Đồng thời, 100% cơ quan nhà nước trong tỉnh duy trì sử dụng thư điện tử công vụ và hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh phục vụ hoạt động của đơn vị; 100% các văn bản được các cơ quan nhà nước trong tỉnh trao đổi hoàn toàn dưới dạng văn bản điện tử (trừ văn bản mật) và sử dụng chữ ký số.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai các dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ hành chính công một cách nhanh chóng, tiện lợi và minh bạch. 

Mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S được xem là niềm tự hào của Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai chuyển đổi số. Thông qua ứng dụng Hue-S, chính quyền đã lắng nghe, quan sát nhu cầu chính đáng, rào cản hành chính mà người dân, doanh nghiệp đang gặp phải. Có trên 124.000 phản ánh được tiếp nhận kể từ khi triển khai, với tỷ lệ hài lòng và chấp nhận đạt 90,8%. Thời gian xử lý phản ánh của người dân rút ngắn từ 60 đến 70%, có những vụ việc rút ngắn đến 90%, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách cũng như chi phí xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, Tỉnh đã đề ra chiến lược rõ ràng, lấy xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng, tiến tới phát triển chính quyền số, với mục tiêu minh bạch hóa hoạt động hành chính, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, giảm thiểu chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các giải pháp số hóa trong quản lý, Thừa Thiên Huế đã triển khai các nền tảng số tiêu biểu như Hue-S, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao và hệ thống quản lý văn bản điện tử.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế dẫn đầu toàn quốc về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tăng 5 bậc so với năm 2022; Chỉ số CCHC (PARINDEX) xếp thứ 17, tăng 2 bậc so với năm 2022; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong top 10 toàn quốc (xếp vị thứ 8); Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương xếp thứ 2/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, thứ 14/63 tỉnh/thành cả nước; nền tảng làm việc số tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 585

Về trang trước Về đầu trang