Tin KHCN trong nước
Đổi mới sáng tạo là thay đổi cách thức sản xuất - kinh doanh dựa trên tri thức mới (18/11/2024)
-   +   A-   A+   In  

Hoạt động sản xuất - kinh doanh (SX - KD) có 3 trạng thái chính: duy trì như cũ, mở rộng quy mô và thay đổi cách thức hoạt động; mỗi trạng thái có những đặc điểm, tính chất khác nhau. Đổi mới sáng tạo liên kết với SX - KD thông qua việc thay đổi phương thức, nhu cầu, chủ thể và điều kiện đảm bảo cho hoạt động SX - KD. Đồng thời, ĐMST cũng kết nối với KH&CN thông qua việc đáp ứng nhu cầu, khai thác chủ thể và nguồn tri thức mới từ kết quả nghiên cứu khoa học. Sự gắn kết cụ thể và thực tiễn giữa ĐMST với SX - KD và KH&CN sẽ thúc đẩy ĐMST phát triển mạnh mẽ dựa trên chính năng lực nội tại và sự kết hợp hài hòa với các lĩnh vực khác.

Sự thay đổi cách thức sản xuất - kinh doanh

Thay đổi cách thức SX - KD là quá trình chủ động của chủ thể SX - KD. Với thay đổi cách thức SX - KD, nỗ lực của chủ thể nhằm vào mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động SX - KD, từ đó gián tiếp tạo ra giá trị kinh tế (ở duy trì SX - KD như cũ) hoặc tăng giá trị kinh tế tương ứng với số lượng yếu tố đầu vào (ở mở rộng quy mô SX - KD).

Giá trị kinh tế được tạo ra từ hoạt động SX - KD. Giá trị kinh tế được tăng theo chiều rộng bằng cách mở rộng quy mô SX - KD với việc gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào. Giá trị kinh tế được tăng theo chiều sâu bằng cách thay đổi cách thức SX - KD. Con đường tăng giá trị kinh tế theo chiều sâu là thông qua tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của hoạt động SX - KD. Tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của SX - KD là mục tiêu của thay đổi cách thức SX - KD và chỉ có thể đạt được bằng thay đổi cách thức SX - KD.

Thay đổi cách thức SX - KD phụ thuộc vào tri thức mới, thay thế cho tri thức cũ hiện đang chi phối hoạt động SX - KD. Coi đổi mới sáng tạo (ĐMST) là thay đổi cách thức SX - KD dựa trên tri thức mới là một nhìn nhận mới khác với nhiều định nghĩa thường thấy về ĐMST...

Đổi mới sáng tạo giúp thay đổi cách thức sản xuất - kinh doanh.

Phạm vi và một số đặc điểm của đổi mới sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh

Chỉ giới hạn ở thay đổi cách thức SX - KD và hướng vào mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, nhưng phạm vi của ĐMST cũng rất rộng. Phạm vi này thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau hàm chứa trong ĐMST và được nhìn nhận theo các yếu tố SX - KD, theo các thành phần cấu thành hoạt động SX - KD, mục tiêu, mức độ đột phá (lớn hay nhỏ), mức độ phạm vi lan tỏa (rộng hay hẹp), mức độ tồn tại (bền vững hay không bền vững), mức độ phát triển (liên tục hay ngắt quãng), các lĩnh vực và các địa bàn, phạm vi (vi mô và vĩ mô).

Từ đây có thể thấy, một số đặc điểm của ĐMST trong hoạt động SX - KD như sau:

Thứ nhất, ĐMST luôn bám sát với hoạt động SX - KD. ĐMST hiện diện trên các mặt cơ bản của hoạt động SX - KD như: yếu tố đầu vào, thành phần cấu thành, mục tiêu phát triển, các tính chất, lĩnh vực và địa bàn, phạm vi vi mô và vĩ mô.

Thứ hai, ĐMST có nhiều dạng khác nhau.

Dạng 1 là những ĐMST riêng lẻ, dựa trên sự độc lập của từng khía cạnh hàm chứa trong ĐMST. Dạng 1 có nhiều loại như ĐMST theo từng yếu tố SX - KD, ĐMST theo từng thành phần cấu thành SX - KD… Dạng 1 thể hiện sự đa dạng, phong phú của ĐMST, tuy nhiên thường hạn chế trong phát huy tác dụng thực tế hoặc trong phản ánh sát thực tế. Các ĐMST riêng lẻ, thường chỉ là sự khởi đầu hoặc là những góc nhìn xuất phát hướng tới ĐMST mang tính tổng hợp của nhiều khía cạnh hàm chứa trong ĐMST.

Dạng 2 là những ĐMST liên kết trên cơ sở phối hợp chiều dọc giữa các khía cạnh theo yếu tố SX - KD, thành phần cấu thành, mục tiêu, tính chất, lĩnh vực, địa bàn và phạm vi. Dạng 2 có nhiều loại ĐMST như: lấy các khía cạnh theo yếu tố SX - KD làm căn cứ xuất phát để tạo liên kết; lấy các khía cạnh theo thành phần cấu thành SX - KD làm căn cứ xuất phát để tạo hệ thống liên kết; lấy các khía cạnh theo mục tiêu làm căn cứ xuất phát để tạo hệ thống liên kết… Dạng 2 thể hiện những ĐMST mang tính tổng hợp, được nhìn nhận đồng thời ở nhiều khía cạnh khác nhau. Dạng này cho thấy một hướng phát triển ĐMST theo phối hợp chiều dọc, giữa các khía cạnh hàm chứa trong ĐMST.

Dạng 3 là ĐMST liên kết trên cơ sở phối hợp chiều ngang giữa các khía cạnh thuộc yếu tố SX - KD với nhau, giữa các khía cạnh thuộc thành phần cấu thành SX - KD với nhau, giữa các khía cạnh thuộc mục tiêu với nhau… Một số loại ĐMST dạng 3: liên kết về yếu tố SX - KD, liên kết về thành phần cấu thành SX - KD, liên kết về mục tiêu… Dạng 3 tiếp tục cho thấy hướng phát triển của ĐMST thông qua liên kết theo chiều ngang, tính chất đa dạng và linh hoạt của các loại ĐMST và trở ngại gặp phải, giới hạn phải chấp nhận.

Thứ ba, sự so sánh về thang bậc cao thấp giữa các ĐMST tổng hợp (đối với dạng 2 và 3). ĐMST tổng hợp có 2 mặt là số lượng và chất lượng. Số lượng là nhiều hay ít các loại ĐMST thuộc các dạng ĐMST. Chất lượng thể hiện ở: tính chất (đột phá hay tuần tự), độ lan tỏa (rộng hay hẹp), mức độ tồn tại (bền vững hay không bền vững), mức độ phát triển (liên tục hay ngắt quãng), phạm vi (rộng hay hẹp); lĩnh vực kinh tế (quan trọng hay không quan trọng)... Nhìn chung, thang bậc giữa các ĐMST tổng hợp tăng lên theo chiều (A) => (B), (C) => (D) (bảng 1). Đồng thời, do có nhiều mức độ về số lượng và chất lượng ĐMST nên cũng có nhiều mức độ khác nhau giữa các ĐMST tổng hợp.

Bảng 1. Thang bậc cao thấp giữa các ĐMST tổng hợp.

Tri thức tạo ra đổi mới sáng tạo

Tri thức tạo ra đổi mới sáng tạo.

Tri thức tạo ra ĐMST trước hết phải là tri thức phù hợp với ĐMST. Tri thức phù hợp với ĐMST (gọi tắt là tri thức ĐMST) có một số đặc điểm nổi bật sau:

Một là, tri thức ĐMST rất sát với SX - KD, đủ sức chinh phục được chủ thể SX - KD, thay thế tri thức cũ đang hiện diện trong SX - KD. Tri thức ĐMST là tri thức mới, khác với tri thức thông thường đã có trong SX - KD từng diễn ra. Tri thức ĐMST khác với tri thức khoa học và công nghệ (KH&CN) vốn còn có cách biệt khá đáng kể với SX - KD.

Hai là, tri thức ĐMST được cụ thể theo các dạng và các loại ĐMST. Có các tri thức ĐMST ứng với dạng và loại ĐMST như tri thức về thay đổi cách thức sử dụng tài nguyên, tri thức về thay đổi cách thức sử dụng lao động… Mức độ đa dạng, phong phú của các loại ĐMST là cơ sở chi phối mức độ đa dạng, phong phú của tri thức ĐMST.

Ba là, trong tri thức ĐMST có các quan hệ liên kết ứng với quan hệ phối hợp trong ĐMST. Chính khả năng và trạng thái liên kết trong tri thức ĐMST quyết định khả năng và trạng thái phối hợp trong ĐMST.

Có tri thức ĐMST không đồng nghĩa với việc xuất hiện ĐMST. Giữa tri thức ĐMST và ĐMST còn tồn tại những khoảng cách và một số vấn đề cần giải quyết như: chuyển tri thức ĐMST thành hành động ĐMST, thay thế tri thức cũ đang chi phối SX - KD bằng tri thức mới, gắn tri thức mới với lợi ích mới và tinh thần quyết tâm đổi mới, khắc phục những rối loạn và rủi ro do áp dụng tri thức mới lạ…  Ngoài ra, còn có cả một số cản trở đối với ĐMST như: đổi mới làm mất đi lợi thế của cách thức SX - KD cũ đã ổn định và bỏ phí công sức tạo lập nên cách thức SX - KD cũ, lợi ích kinh tế vẫn có thể thu được mà không cần ĐMST như trong bối cảnh độc quyền…

Để tiến tới ĐMST, trước hết tri thức ĐMST phải được hiện hữu trong chủ thể hoạt động SX - KD. Bộ phận chủ thể hoạt động SX - KD mang tri thức ĐMST chính là lực lượng thực hiện và thúc đẩy ĐMST. Tri thức ĐMST tiến tới ĐMST trong những điều kiện nhất định. Cạnh tranh thị trường mang lại lợi ích và lợi thế rõ ràng của thay đổi cách thức SX - KD. Các chủ thể SX - KD thường mong muốn tạo ra nhiều kết quả hơn. Có nguồn tài chính dành cho việc áp dụng tri thức mới thay đổi cách thức sản xuất, khắc phục rủi ro do áp dụng tri thức mới… Có nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp với áp dụng tri thức mới. Có điều kiện sắp xếp việc làm hoặc trợ cấp xã hội đối với lực lượng lao động cũ không có khả năng chuyển hóa thành lực lượng lao động mới…

Việc tạo ra tri thức ĐMST phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu, khả năng khai khác hoặc tự tạo ra nguồn tri thức mới. Nhu cầu tạo ra tri thức ĐMST xuất phát từ hoạt động SX - KD. Khi có mong muốn thay đổi cách thức SX - KD cũng là lúc xuất hiện nhu cầu hình thành tri thức ĐMST. Nhu cầu tạo ra tri thức ĐMST có cả từ nghiên cứu KH&CN. Mong muốn phát triển kết quả nghiên cứu khoa học, khẳng định ý nghĩa của kết quả nghiên cứu đối với đời sống kinh tế - xã hội… sẽ nảy sinh nhu cầu tạo ra tri thức ĐMST.

Tạo ra tri thức ĐMST có thể bắt nguồn từ khai thác tri thức mới đang tồn tại (là kết quả của nghiên cứu khoa học) hoặc phải bắt đầu từ việc tạo lập ra tri thức mới. Nhìn chung, khả năng tạo ra tri thức mới thường khá rộng mở và ít bị giới hạn hơn so với các yếu tố SX - KD như tài nguyên tự nhiên, lao động, vốn…

Tạo ra tri thức ĐMST đòi hỏi những điều kiện nhất định. Để tham gia vào tạo ra tri thức ĐMST, chủ thể SX - KD phải có phẩm chất sáng tạo tri thức mới. Chủ thể KH&CN tham gia tạo ra tri thức ĐMST cần có tinh thần kinh doanh. Tạo lập tri thức mới cần có kinh phí đầu tư, hạ tầng phù hợp. Môi trường xã hội khuyến khích đổi mới, chấp nhận rủi ro… cũng có ảnh hưởng đáng kể đến tạo lập tri thức ĐMST.

Mỗi quốc gia có nhiều tri thức ĐMST khác nhau Sự phong phú, đa dạng về tri thức ĐMST ở các quốc gia là do: có quá nhiều loại tri thức ĐMST và cần những nguồn lực nhất định để tạo ra tri thức ĐMST. Do đó, mỗi quốc gia chỉ có thể tập trung vào một số thay vì là phát triển toàn diện tất cả các tri thức ĐMST; nhu cầu về thay đổi cách thức SX - KD ở các nước không giống nhau; thế mạnh trong tạo ra và ứng dụng tri thức ĐMST ở các nước không giống nhau; tri thức ĐMST là vấn đề phức tạp và các nước có thể có những sáng kiến khác nhau trong giải quyết vấn đề phức tạp này... Sự phong phú, đa dạng là định hướng quan trọng để phát triển tri thức ĐMST nói chung và tri thức ĐMST ở mỗi đất nước nói riêng. Mỗi nước có thể tạo nên khác biệt về tri thức ĐMST so với nước khác bằng cách khai thác những phạm vi chưa được tập trung phát triển, bám sát nhu cầu riêng, phát huy thế mạnh riêng và theo đuổi các sáng kiến riêng. Cùng với sự phong phú đa dạng là các thang bậc cao thấp về tri thức ĐMST giữa các quốc gia.

Kết luận

Các phân tích trên giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn từng các khía cạnh cụ thể về quan hệ giữa ĐMST với SX - KD và KH&CN. ĐMST gắn với SX - KD thông qua thay đổi cách thức, nhu cầu, chủ thể, điều kiện đảm bảo của hoạt động SX - KD. ĐMST gắn với KH&CN thông qua nhu cầu, chủ thể, nguồn lực tri thức mới từ kết quả nghiên cứu khoa học. Mối quan hệ cụ thể, sát thực giữa ĐMST với SX - KD và KH&CN sẽ thúc đẩy ĐMST phát triển mạnh mẽ trên cơ sở khả năng của chính mình và sự kết hợp hài hòa với các lĩnh vực khác.

ĐMST diễn ra như một tất yếu bởi các động lực nội tại của SX - KD, của KH&CN và sự điều tiết của cơ chế thị trường. Mặt khác, ở đây vẫn cần sự can thiệp từ nhà nước. Can thiệp của nhà nước vào ĐMST có thể được mở rộng trên cơ sở chủ động lựa chọn một số loại ĐMST để tập trung phát triển, chủ động tăng ứng dụng tri thức ĐMST, chủ động tạo ra tri thức ĐMST, chủ động nâng cấp thang bậc ĐMST.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 956

Về trang trước Về đầu trang