Tin KHCN trong nước
Hai nhà khoa học đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu (22/05/2014)
-   +   A-   A+   In  

300 nhà khoa học đã tham dự lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Buổi lễ đã vinh danh hai nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực toán học và vật lý. Đây là giải thưởng đầu tiên dành cho nghiên cứu cơ bản – một lĩnh vực đang được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam trong nghiên cứu khoa học.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu, là giải thưởng dành cho các nhà khoa học Việt Nam là tác giả của các công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (thuộc 7 lĩnh vực gồm toán, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, khoa học trái đất và môi trường, sinh học và khoa học tự nhiên khác) và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được xem là một bước đi kịp thời nhằm khuyến khích việc nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam. Khác với các giải thưởng khoa học khác, giải thưởng Tạ Quang Bửuđược trao cho các cá nhân có công trình khoa học xuất sắc mang tầm quốc tế được tiến hành trong 5 năm gần đây.

Năm 2013, giải thưởng được trao cho hai nhà khoa học gồm giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng, lĩnh vực toán (khoa toán, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) với công trình “The homomorphisms between the Dickson – Mùi algebras as modules over the Steenrod algebra” – Các đồng cấu giữa các đại số Dickson – Mùi (mang tên nhà toán học Huỳnh Mùi của Việt Nam) xem như các Moodun trên đại sốSteenrod; Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Bá Ân, lĩnh vực vật lý (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), với công trình “Joint remote state preparation via W and W-type states” – Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và kiểu W.

Các công trình này đều đượcđăng trên những tạp chí lớn, có uy tín trên thế giới và được đánh giá cao vềtính sáng tạo, chứađựng những ý tưởng độc đáo, đem lại những nhận thức mới về những cấu trúc được nghiên cứu. Giáo sư người Pháp -Pierre Darriulat – thành viên hội đồng giải thưởng bày tỏ, lúc đầu ông rất lo là không tìm được công trình xứng đáng nhưng khi nhận được các hồ sơ đề cử thì ông thật sự ngạc nhiên về chất lượng các công trình. Cũng theo ông, thì cả bốn hồ sơ đề cử đều xứng đáng được giải thưởng và ông hoàn toàn có đủ lý lẽ đểthuyết minh ủng hộ từng hồ sơ trước công chúng.

Tại lễ trao giải, giáo sưNguyễn Hữu Việt Hưng chia sẻ: Tôi được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu vềmột bài báo dài 40 trang, đăng trên Mathematische Annalen, một trong những tập chí toán học hàng đầu, bắt đầu xuất bản từ 1868, cùng thời vua Tự Đức của nước ta.Làm khoa học là một chặngđường đầy khó khăn. Bản thân tôi tâm nguyện rằng nghiên cứu khoa học cần phải trở thành một hoạt động chuyên nghiệp trong các đại học. Chữ “chuyên nghiệp” mà tôi dùng ở đây hàm nghĩa nhà khoa học làm khoa học không chỉ vì mụcđích lấy một bằng cấp nào đó, mà phải làm khoa học như một hoạt động thường xuyên, gắn liền suốt đời một cách tự nhiên với hoạt động giảng dạy.

Giáo sư Hưng liên tưởng, chạy marathon 42,195km là môn thể thao mà hồi còn nhỏ tôi rất ghét, vì nó nặng nhọc và buồn chán; nhưng càng trưởng thành thì tôi càng thích. Tôi dần dần hiểu ra rằng marathon chính là môn thể thao gần với cuộc đời nhất: Nặng nhọc và buồn chán chính là những thuộc tính của cuộcđời, nói riêng là thuộc tính của việc nghiên cứu khoa học.

Khi đã vượt được chừng 30km thì mỗi người chạy marathon chỉ còn đua với chính mình, sự ganh đua với người khác dường như không còn đáng kể. “Bài học mà môn marathon dạy tôi là cố gắng làm tốt nhất khả năng của chính mình, không để tâm nhiều đến các yếu tố bên ngoài. Nói rõ hơn, thay cho việc cố gắng công bố nhiều bài viết để nhận tài trợ, tôi cố gắng công bố trên những tạp chí có chất lượng cao, thà ít mà tốt”, giáo sư Hưng nhấn mạnh.

40 năm liên tục nghiên cứu khoa học và đã trở thành một chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực khoa học về thông tin lượng tử (Quantum Information) - một lĩnh vực mới với những tiềm năng ứng dụng quan trọng trong tương lai,nhưng khi được hỏi những yếu tố nào giúp ông theo đuổi được nghề nghiệp và đạt thành tựu trong một lĩnh vực “khó nhằn” nhưkhoa học, phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Bá Ân cũng chỉ trả lời một cách ngắn gọn và giản dị“Chuyên tâm và luôn bám nghề”…/.

Việc tuyển chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu được thực hiện hoàn toàn bởi các nhà khoa học tiêu biểu của các ngành khoa học cơ bản mà không có sự tác động và tham gia của các nhà quản lý. Hội đồng giải thưởng bao gồm bảy chủ tịch hội đồng ngành (tiêu biểu trong 7 lĩnh vực khoa học tự nhiên) và hai Giáo sư: Ngô Bảo Châu và Pierre Darriulat.

 

Nguồn: ven

Số lượt đọc: 16551

Về trang trước Về đầu trang