Chuyển đổi số
Dịch vụ công trực tuyến: Con đường đột phá trong giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử (24/10/2024)
-   +   A-   A+   In  

Sau hơn 20 năm triển khai, dịch vụ công trực tuyến đã trở thành trọng tâm trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Dịch vụ công trực tuyến đem lại sự tiện lợi cho người dân. Ảnh minh họa

Hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng đáng kể

Với sự chỉ đạo từ Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến không chỉ tăng về số lượng mà còn đạt được những thành tựu đáng kể về chất lượng, đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân.

Dịch vụ công trực tuyến, một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đã được xác định là cần thiết để đạt được bước đột phá. Sau giai đoạn phát triển chậm từ năm 2010, khi chỉ có 4 dịch vụ công trực tuyến ở mức cao nhất (chiếm 0,004% tổng số dịch vụ công), giai đoạn từ 2020 trở đi đánh dấu một bước tiến vượt bậc. Từ sau khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia được thực hiện vào tháng 6/2020, tốc độ tăng trưởng của các dịch vụ công trực tuyến đã đạt kết quả đáng ghi nhận, tương đương với cả 10 năm trước đó.

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT), trong nửa đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đã tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023, đạt 42%. Tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên toàn quốc đạt 55,5%, trong đó khối bộ đạt 59,68% và khối địa phương đạt 55,38%. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc chuyển đổi số hóa dịch vụ công.

Không chỉ có sự gia tăng trong việc triển khai, hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng đã có những bước tiến vượt bậc. Năm 2019, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở mức cao nhất trong tổng số hồ sơ thủ tục hành chính chỉ đạt 5%, nhưng tính đến tháng 7/2024, tỷ lệ này đã tăng lên 43%, tức là tăng hơn 8 lần trong vòng 5 năm.

Một điểm đột phá khác là hệ thống định danh và xác thực người dùng đã được hợp nhất trên toàn bộ các hệ thống từ trung ương đến địa phương. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp chỉ cần tạo một tài khoản duy nhất để sử dụng mọi dịch vụ công trực tuyến, thay vì phải đăng ký tài khoản riêng biệt ở từng địa phương như trước đây.

Ứng dụng chuyển đổi số vào đời sống

Từ tháng 11/2022, Hà Nội và Hà Nam đã thí điểm triển khai hai nhóm dịch vụ công liên thông gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí. Chỉ với một lần khai báo thông tin, người dân có thể hoàn tất cả ba thủ tục hành chính này. Việc triển khai dịch vụ liên thông đã giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí và giảm thiểu sai sót trong quá trình xử lý hồ sơ. Sau thành công từ thí điểm, các nhóm thủ tục liên thông này đã được mở rộng ra toàn quốc từ quý I/2023.

Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mà còn len lỏi vào mọi mặt của đời sống. Từ mua sắm, giao dịch ngân hàng đến các thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân và gia đình, người dân giờ đây có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Các ứng dụng như Cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Ngọc ở Vĩnh Long chia sẻ về trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến: "Em làm hồ sơ trong buổi sáng, chiều đã nhận được giấy phép thành lập doanh nghiệp, kèm con dấu và mã số thuế cùng với mã bảo hiểm xã hội".

Tại TP.HCM, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã giúp số hóa toàn bộ quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người dân. UBND TP Thủ Đức đạt tỷ lệ số hóa hồ sơ TTHC lên tới gần 82% trong năm 2024. Trong khi đó, quận 7 cũng đã số hóa 62% hồ sơ trong năm nay và 60% trong năm 2023. Các dữ liệu sau khi số hóa được lưu trữ và sử dụng lại cho các lần làm thủ tục tiếp theo, giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức.

Thách thức và giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến vẫn cần được cải thiện. Theo ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, trong bối cảnh chính phủ số đang phát triển mạnh mẽ, các cổng dịch vụ công trực tuyến giữ vai trò then chốt, kết nối Nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Mặc dù đã có nhiều cải tiến từ năm 2021, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến vẫn chưa đạt yêu cầu và chất lượng dịch vụ còn hạn chế.

"Đánh giá các cổng dịch vụ công từ góc độ người dùng là cực kỳ quan trọng để đảm bảo rằng chuyển đổi số đáp ứng đúng nhu cầu và kỳ vọng của người dân", ông Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho rằng: "So với kết quả rà soát năm 2023, nhiều địa phương đã nâng cấp cổng dịch vụ công để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người khuyết tật. Tuy nhiên, như nghiên cứu này đã chỉ ra, cần cải thiện hơn nữa các dịch vụ công trực tuyến bảo đảm tính thuận tiện, tính dễ sử dụng và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Kết quả đánh giá cũng chứa đựng những hàm ý có giá trị về cách thức cải thiện điều kiện tiếp cận và tính hữu dụng của các cổng dịch vụ công cho tất cả mọi người dân, đặc biệt là những nhóm dân cư dễ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số. Tôi hy vọng rằng, chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ thấy những đề xuất trong báo cáo là hữu ích và khả thi. Một khi người dân và cộng đồng còn nhiều khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo tiếp cận được với dịch vụ hành hính công, nền hành chính của Việt Nam sẽ trở nên bao trùm hơn".

Theo đánh giá của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Bộ TT&TT với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiện chưa cao. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Để khắc phục, Bộ TT&TT đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình và cải thiện chất lượng dịch vụ. Các giải pháp này bao gồm việc triển khai kho dữ liệu số cho người dân và tổ chức, số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC, cũng như tái cấu trúc quy trình TTHC tại các bộ, ngành và địa phương.

Đáng chú ý, đến nay, hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (còn gọi là hệ thống EMC) do Bộ TT&TT vận hành, đã kết nối với 100% hệ thống thông tin giải quyết TTHC  của các bộ ngành, địa phương để giám sát trực tuyến.

Mục tiêu đặt ra cho đến cuối năm 2024 là tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình cần đạt ít nhất 70% tại các bộ, ngành và 85% tại địa phương. Ngoài ra, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của 5 bộ và 39 địa phương hiện đạt mức C sẽ được nâng cấp lên mức A, và các hệ thống khác sẽ được cải thiện để đạt mức B.

Chuyển đổi số trong dịch vụ công trực tuyến đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, từ việc nâng cao tỷ lệ cung cấp và sử dụng dịch vụ đến việc giảm thiểu TTHC cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cao hơn về chất lượng và sự hài lòng của người dân, việc đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống và cải thiện quy trình vẫn là những thách thức lớn cần vượt qua. Chỉ khi đó, Chính phủ điện tử mới thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam trong thời đại số.

Nguồn: vietq.vn