Chuyển đổi số
Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số (05/04/2022)
-   +   A-   A+   In  
Chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để DN đứng vững và phát triển. Cơ quan chức năng BR-VT đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy các DN thực hiện CĐS.

BR-VT đã và đang đầu tư mạnh cho hạ tầng kỹ thuật số để giúp các DN nhanh chóng thực hiện CĐS toàn diện. Trong ảnh: Nhân viên Viettel BR-VT kiểm tra kỹ thuật tại trạm thu phát sóng.
BR-VT đã và đang đầu tư mạnh cho hạ tầng kỹ thuật số để giúp các DN nhanh chóng thực hiện CĐS toàn diện. Trong ảnh: Nhân viên Viettel BR-VT kiểm tra kỹ thuật tại trạm thu phát sóng.

Chủ động CĐS

Theo Sở TT-TT, CĐS là thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của mỗi đơn vị, DN nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh. Qua đó, đem đến những hiệu quả cao hơn, giá trị mới hơn. CĐS trong DN có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng DN số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới như: Big data, IoT, điện toán đám mây. Từ đó, thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong DN; giúp DN tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Tại BR-VT, những năm gần đây, nhiều DN đã chủ động thực hiện CĐS để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, nổi bật nhất là các DN, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thống kê của Sở NN-PTNT cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 290 cơ sở sản xuất ứng dụng CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như Công ty TNHH 4K farm đầu tư hơn 200 nhà màng với diện tích hơn 20ha sản xuất rau ăn lá, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, phân bón, ứng dụng trên điện thoại thông minh để theo dõi quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, nhiều DN cũng chủ động thực hiện CÐS, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra các nông sản chất lượng cao. Chẳng hạn như sử dụng Internet giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp. Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.

Từ năm 2013, ngành điện là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát hành hóa đơn điện tử trên quy mô lớn. Ông Phạm Ngọc Quế, Giám đốc Điện lực TP. Vũng Tàu cho biết, đơn vị đang quản lý 113.698 khách hàng dùng điện. Để thuận tiện cho khách hàng, công ty đã lắp đặt công tơ điện tử cho gần 100% khách hàng. Việc lắp đặt công tơ điện tử không chỉ giúp tự động đo đếm điện năng, thu thập dữ liệu khách hàng mà còn giảm chi phí nhân công ghi chỉ số công tơ, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, hệ thống này có thể phát hiện kịp thời các sự cố của hệ thống đo đếm, giám sát chặt chẽ chế độ sử dụng điện của khách hàng, nhất là của các khách hàng lớn…

Bên cạnh đó, Điện lực TP. Vũng Tàu có những thay đổi căn bản về mô hình quản trị và phương thức vận hành DN, thay thế hình thức giao dịch trực tiếp với khách hàng bằng hình thức giao dịch trực tuyến. Đặc biệt, đẩy nhanh quá trình số hóa, không chỉ tiếp nhận yêu cầu, tư vấn qua kênh tổng đài điện thoại mà còn đa dạng phương thức phục vụ khách hàng qua website, email, webchat, app chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động. Đến nay, 78,44% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt; 21,56% khách hàng thanh toán qua các tổ chức trung gian.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật số

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, hạ tầng số là nền tảng căn bản bảo đảm cho sự phát triển bền vững của kinh tế số, đóng vai trò tạo lập và duy trì các kết nối, bảo đảm dòng chảy dữ liệu giữa các thực thể trong chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các DN muốn CĐS thành công trước tiên phải phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Hạ tầng kỹ thuật đó không chỉ trong DN mà còn phải đồng bộ từ chính quyền và cả người dân. Vì vậy, những năm gần đây BR-VT đã tập trung nhiều nguồn lực để dần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật số.

Theo báo cáo của Sở TT-TT, hiện nay trên địa bàn tỉnh thì hạ tầng băng rộng di động có tốc độ trung bình khoảng 20 Mbps; băng rộng cố định có tốc độ trung bình khoảng 40 Mbps; 90% người dân có điện thoại thông minh; 85% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 50% cơ quan nhà nước đã cung cấp dữ liệu mở; 2,7% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử.

BR-VT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển hạ tầng mạng cáp quang băng rộng đến hầu hết các thôn, xóm; mạng 5G di động phủ sóng 100% khu dân cư, khu trung tâm hành chính cấp xã; phát triển mạng thông tin di động 5G tại vùng kinh tế, đô thị, khu du lịch trọng điểm. Đồng thời, phát triển các thiết bị IoT đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và môi trường thông minh.

Với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, năm 2022, tỉnh BR-VT đặt ra chỉ tiêu 30% các DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 50% sử dụng hợp đồng điện tử, 80% sử dụng hóa đơn điện tử; 50% có tên miền .vn; nghiên cứu nền tảng cảng biển thông minh phục vụ lưu thông liên cảng (“cảng mở”), tối ưu hóa việc luân chuyển container và vận chuyển hàng hóa…

Để đạt được mục tiêu trên, BR-VT sẽ tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu cho DN công nghệ số với các cơ quan nhà nước tại địa phương; từng bước hình thành hệ sinh thái DN công nghệ số tại địa phương; lan tỏa, nhân rộng các mô hình đã triển khai, gia tăng hiệu quả thực tiễn. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ người đứng đầu DN trong tỉnh thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, đầu tư cho CĐS vì mục tiêu phát triển bền vững...

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 935

Về trang trước Về đầu trang