Tin KHCN trong nước
Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn (17/10/2024)
-   +   A-   A+   In  

Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề ra nhiều giải pháp bao gồm xây dựng kế hoạch triển khai, phát triển sản phẩm nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn. 

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn - một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý III/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao đã chia sẻ những giải pháp, đóng góp cụ thể của Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện thành công Chiến lược này.

Theo ông Tú, để tổ chức thực hiện, tại khoản 1 và khoản 2 Mục VI Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phân công cho cụ thể cho Bộ Thông tin và Truyền thông, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như một số bộ ngành khác được giao phân công tại khoản 3 Mục VI của Quyết định, cụ thế Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ ngành có tránh nhiệm chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan thực hiện nhiệm vụ chức năng, nhiệm vụ được giao và tại Phụ lục của Chiến lược.

vnp_bo khoa hoc va cong nghe-2.jpg

Ông Trần Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo phân công tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Chiến lược, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì 5 nhiệm vụ', trong đó có 01 nhiệm vụ được nhóm Đề án đột phát thực hiện Chiến lược (tại Phụ lục 1) và 04 nhiệm vụ thuộc nhóm các Đề án, nhiệm vụ triển khai Chiến lược (tại Phụ lục 2).

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và 5 nhiệm vụ được giao chủ trì tại Phụ lục Chiến lược, để tham gia thực hiện thành công Chiến lược này, ông Tú cho biết bộ Khoa học và Công nghệ đã và sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp.

Thứ nhất theo ông Tú, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược của Bộ nhằm thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả Chiến lược; đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg để đảm bảo triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong kế hoạch này cụ thể đơn vị trực thuộc Bộ làm chủ trì, phối hợp triển khai từng nhiệm vụ cụ thể để triển khai có hiệu quả Quyết định số 1018/QĐ-TTg.

Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Thứ hai theo ông Tú, "sản phẩm vi mạch điện tử" được xác định là sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021). Đồng thời Bộ đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ưu tiên, tập trung triển khai Chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó có sản phẩm vi mạch bán dẫn.

Ngoài ra Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tăng cường tìm kiếm, tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển liên quan đến lĩnh vực vi mạch thông qua các Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước (KC01, KC4.0,.) hay thông qua Quỹ NAFOSTED,..

Thứ ba, theo ông Tú ngành vi mạch bán dẫn được quan tâm từ rất sớm. Từ năm 2010, vi mạch bán dẫn đã thuộc Danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển (theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010) và tiếp tục có mặt trong các Quyết định thay thế quyết định này cho đến nay (hiện nay là Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020).

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục xét các đề nghị hưởng ưu đãi theo quy định của hoạt động công nghệ cao hiện hành, đặc biệt là đối với vi mạch bán dẫn.

vnp_fpt techday 2023-2.jpg

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các đề nghị hưởng ưu đãi theo quy định của công nghệ cao đối với các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn theo mạch của quy định hành lang về phát triển công nghệ cao," ông Trần Anh Tú cho biết.

Thứ tư, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn. Đặc biệt, thông qua mạng lưới các văn phòng đại diện khoa học và công nghệ ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, Bộ sẽ thúc đẩy hỗ trợ tìm kiếm đối tác, công nghệ để kết nối, chuyển giao công nghệ.

Cuối cùng theo ông Tú, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực bán dẫn để tăng cường kết nối, thu hút các nhà khoa học, các diễn giả trong và ngoài nước tham gia chia sẻ, nghiên cứu chung và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn.

Bằng việc thực hiện các giải pháp này, Bộ Khoa học và Công nghệ đang đóng góp quan trọng vào việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong thời gian tới./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Số lượt đọc: 1929

Về trang trước Về đầu trang