Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN
Tư vấn tuyển chọn thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong lĩnh vực trồng trọt tại huyện Côn Đảo” (27/09/2024)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 26/9/2024, Sở KH&CN đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong lĩnh vực trồng trọt tại huyện Côn Đảo”. Ông Phạm Quang Nhật - Giám đốc Sở KH&CN - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Hội đồng đã được nghe phần trình bày chi tiết của chủ nhiệm đề tài về các mục tiêu, nội dung, phương pháp và định hướng nghiên cứu.

 

Nghiên cứu này dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn từ các nghiên cứu trong và ngoài nước, nhận định rằng nông nghiệp tuần hoàn không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp ưu việt cho sự phát triển nông nghiệp toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Côn Đảo, với những đặc thù về tài nguyên và môi trường, được xem là địa điểm lý tưởng để áp dụng mô hình này. Hiện nay, Côn Đảo đang đối mặt với ba thách thức lớn: (1) lượng rác thải hữu cơ từ hoạt động du lịch lên đến 12m³/ngày, đòi hỏi giải pháp xử lý hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường; (2) sự phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn phân bón từ đất liền khiến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao và thiếu tính bền vững; (3) nhu cầu ngày càng tăng về nông sản, đặc biệt là các loại rau, hoa và đặc sản địa phương từ du khách, đang vượt xa khả năng cung cấp hiện tại, đòi hỏi một chiến lược phát triển toàn diện cả về chất lượng và số lượng. Vì vậy, nông nghiệp tuần hoàn là giải pháp tối ưu và khả thi nhất để giải quyết hiệu quả những trở ngại này.

 

Chủ nhiệm đề tài trình bày thuyết minh tại hội đồng

 

Nội dung của Đề tài gồm: khảo sát, đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Côn Đảo, nghiên cứu quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải tại chỗ, cũng như xây dựng quy trình canh tác hiệu quả cho các loại cây trồng phù hợp như sa sâm nam, sâm đất và hoa. Ngoài ra, các nội dung khác của đề tài sẽ được thực hiện như: phát triển mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông hộ với hệ thống nhà hàng, khách sạn địa phương, đồng thời triển khai các hoạt động tập huấn và chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của đề tài.

 

Quang cảnh tại hội đồng

 

Các sản phẩm khoa học dự kiến bao gồm: quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh áp dụng trên diện tích 300-500m² với công suất 100 tấn thành phẩm/tháng; quy trình canh tác cây sa sâm nam, sâm đất, hoa, rau ăn lá và rau gia vị với sản lượng dự kiến đạt 5.000kg thực phẩm và 2.000-4.000 bông hoa mỗi tháng trên diện tích 1.000m²; năm mô hình canh tác cho các loại cây trồng này; mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các nông hộ và nhà hàng, khách sạn; cùng các tài liệu tập huấn chuyển giao công nghệ chi tiết và khoa học. Ngoài ra, một trong những điểm nổi bật của đề tài là khả năng xác định loại cây trồng tiềm năng phù hợp với mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại Côn Đảo.

 

Sau phần trình bày của chủ nhiệm đề tài, Hội đồng đã tiến hành đánh giá dựa trên các tiêu chí về nội dung, phương pháp, khả năng ứng dụng và chuyển giao kết quả, năng lực chuyên môn của tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ và tiến hành bỏ phiếu đánh giá. Kết quả đánh giá cho thấy, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN đã đáp ứng các yêu cầu và được chọn làm đơn vị chủ trì đề tài, ThS. Chu Trung Kiên làm chủ nhiệm. Đồng thời, Hội đồng yêu cầu nhóm thực hiện đề tài cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung nghiên cứu theo ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện thuyết minh.

Nguồn: Nguyễn Tuyết

Số lượt đọc: 284

Về trang trước Về đầu trang