Từ ngày 1/10/2024, hơn 2.100 doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định mới được cập nhật. Quy định này áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, công nghiệp, chất thải, nông nghiệp, lâm nghiệp, và sử dụng đất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 13, trong đó ban hành danh mục các lĩnh vực và cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê. Theo đó, 2.166 cơ sở được xác định phải tuân thủ quy định này trong năm 2024. Cụ thể, ngành công thương có 1.805 cơ sở, ngành giao thông vận tải có 75 cơ sở, ngành xây dựng có 229 cơ sở, và ngành tài nguyên và môi trường có 57 cơ sở.
Các doanh nghiệp có trách nhiệm nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính của mình theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan như Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như các UBND cấp tỉnh để rà soát và cập nhật danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê, và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Lộ trình thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của 1912 cơ sở theo Quyết định số 01
Theo quy định, các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính nếu phát thải từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc các ngành công nghiệp lớn, vận tải hàng hóa, tòa nhà thương mại, và xử lý chất thải rắn. Hiện nay, các cơ sở đang trong giai đoạn kiểm kê và xây dựng báo cáo, rất cần tư vấn và công cụ tính toán từ các chuyên gia.
Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Đây là quá trình thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi nhất định và trong một năm cụ thể, dựa trên các phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Việc kiểm kê này không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tác động môi trường của mình mà còn là nền tảng để phát triển các chiến lược giảm nhẹ phát thải, hướng tới phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, khái niệm truy xuất nguồn gốc (TXNG) vẫn còn khá mới mẻ, nhưng đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt, sự kết hợp giữa kiểm kê khí nhà kính và truy xuất nguồn gốc đang mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao tính minh bạch và chính xác của quá trình sản xuất, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe.
Việc kết hợp hai hệ thống bằng cách tích hợp hệ số phát thải và công thức tính toán phát thải trong kiểm kê khí nhà kính vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chính xác qua đó giúp nâng cao khả năng kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Ngày 28/03/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, quy định chi tiết các thông tin tối thiểu cần có trong hệ thống truy xuất nguồn gốc. Các thông tin này bao gồm tên sản phẩm, hình ảnh, nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, các công đoạn sản xuất, mã truy vết, thời gian sản xuất, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, và các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng. Việc tiêu chuẩn hóa và tích hợp các thông tin này vào hệ thống kiểm kê khí nhà kính giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, tính toán và báo cáo lượng phát thải một cách chính xác hơn.
Một ví dụ được Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đưa ra trong việc kết hợp truy xuất nguồn gốc hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính là tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp, đơn vị được thành lập năm 1991, có hơn 30 năm hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu mặt hàng nông sản, thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đã hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm cà phê tích hợp tính toán phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp. Hệ thống này giúp xác định nguồn gốc nguyên liệu, các nhà cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…; quá trình sản xuất từ khâu chăm sóc, chế biến tạo ra các sản phẩm hạt cà phê được hệ thống truy xuất lưu trữ như chế độ tưới, làm cành, thu hoạch, vận chuyển, sấy; kiểm soát chất lượng; tính toán được lượng CO2 phát thải cho 1 kg sản phẩm và tổng lượng phát thải trong phạm vi sản xuất.
Phạm vi kiểm kê khí nhà kính
Kết quả cho thấy, giải pháp tích hợp kiểm kê khí nhà kính vào hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp cùng lúc giải quyết hai vấn đề về minh bạch chuỗi cung ứng và kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Đặc biệt, kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi mà các nước phát triển trên thế giới yêu cầu ngày càng cao về nguồn gốc sản phẩm và sản phẩm “xanh”.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chuẩn hóa phương pháp đo lường và kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064 cho hoạt động sản xuất và chăn nuôi. Với việc hoàn thành kiểm kê khí nhà kính tại các đơn vị năm 2022, Vinamilk đã đạt được những kết quả ấn tượng, trong đó Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An và Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An đã trở thành những đơn vị đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014. Việc này không chỉ khẳng định trách nhiệm xã hội của Vinamilk mà còn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính và duy trì quỹ cây xanh để hấp thụ khí nhà kính.
Tuy nhiên, việc kiểm kê khí nhà kính không chỉ đơn thuần là thu thập và tính toán số liệu mà còn yêu cầu sự hỗ trợ của các chuyên gia và công nghệ để đảm bảo tính chính xác và minh bạch. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp nhiều khó khăn trong việc đo lường và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính do thiếu công nghệ và kiến thức chuyên môn. Để hỗ trợ, việc áp dụng các công cụ tích hợp, sử dụng công nghệ IoT và AI trong thu thập và phân tích dữ liệu, cũng như sử dụng các mô hình dự báo để quản lý rủi ro biến đổi khí hậu, là cần thiết.
Theo TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, để đảm bảo tính chính xác, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế của các báo cáo kiểm kê khí nhà kính, các phương pháp kiểm kê cần phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, việc chuẩn hóa năng lực đội ngũ chuyên gia kiểm kê cũng rất quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam có thể hòa nhập và đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Ông Hà Minh Hiệp cho biết Ủy ban cũng thực hiện xây dựng, soát xét gần 20 tiêu chuẩn liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, công cụ tín dụng xanh…
Các tiêu chuẩn này sẽ giúp nâng cao uy tín và hài hòa các thông lệ quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, việc sử dụng tiêu chuẩn này nhằm loại bỏ sự nhầm lẫn, cải thiện niềm tin vào thị trường, dẫn đến tăng đầu tư và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, cũng như lợi ích với môi trường.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), tất cả 197 quốc gia tham gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow với cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”.
Việt Nam đã đưa ra mục tiêu cam kết giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào 2050. Sau cam kết của Việt Nam tại COP26, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP (Nghị định số 06) ngày 07/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Tiếp theo đó, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 ban hành danh mục 1.912 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê.
Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.