Tin KHCN trong nước
Chuyển đổi số: Cơ hội cho doanh nghiệp logistics Việt Nam hội nhập và phát triển (16/07/2024)
-   +   A-   A+   In  

Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành; đào tạo nguồn nhân lực về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong sản xuất - kinh doanh, trong đó chú trọng các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng thành tựu công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin… là những đề xuất của các chuyên gia tại Hội thảo “Công nghệ và chuyển đổi số trong ngành logistics” do Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức ngày 12/07/2024 tại Hà Nội.

Xu thế phát triển ngành dịch vụ logistics

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ và chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt của đời sống, trong đó có ngành logistics. Với vai trò là xương sống của nền kinh tế, logistics không chỉ là việc vận chuyển hàng hóa mà còn là một hệ thống phức hợp đòi hỏi sự tối ưu hóa và hiệu quả ở mức cao nhất. Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật và dữ liệu lớn. Những công nghệ này không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động logistics mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải phát biểu tại Hội thảo.

Là trường đại học trực thuộc Bộ GTVT, có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ góp phần thực hiện chiến lược phát triển ngành GTVT và đất nước. Nhiều năm qua, Trường Đại học Công nghệ GTVT đã luôn chú trọng, thúc đẩy công tác phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm giải quyết các vấn đề nóng, thực tiễn đặt ra của ngành GTVT và đất nước. Đặc biệt, Nhà trường rất quan tâm đến các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng tầm vị thế của Nhà trường.

Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và nghiên cứu mới nhất về công nghệ và chuyển đổi số trong ngành logistics. Đây cũng là dịp để chúng ta thảo luận về những thách thức và cơ hội, từ đó đề ra các giải pháp hiệu quả và khả thi cho tương lai.

TS Phạm Long - Đại học Texas A&X - Corpus Christi (Mỹ) phát biểu tại Hội thảo.

Theo TS Phạm Long - Đại học Texas A&X - Corpus Christi (Mỹ), nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế; đặc biệt có tuyến bờ biển dài, nhiều địa điểm có thể xây cảng nước sâu, cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ logistics. Theo Báo cáo "Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Bộ Giao thông vận tải, hiện tại, cả nước có 286 bến cảng thuộc năm nhóm cảng biển, với chiều dài khoảng 95 km cầu cảng. Nhờ hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, Việt Nam tiếp nhận thành công tàu container đến 132.000 tấn tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), đến 214.000 tấn tại khu bến cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo Agility - nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu thế giới, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

Tuy nhiên, chi phí logistics ở Việt Nam còn cao, cơ sở hạ tầng phục vụ cho logistics thiếu đồng bộ. Đặc biệt, về nhân lực, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là hơn 200.000 người, trong khi đó, khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu thị trường. Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Bên cạnh đó, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5-7% số lao động đang làm trong lĩnh vực này; các doanh nghiệp logistics Việt Nam tuy nhiều, nhưng không mạnh.

Thống kê cho thấy, Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm 89%, còn 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Song đa phần các doanh nghiệp còn hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics.

Yêu cầu phải chuyển đổi số

ThS Nguyễn Thị Dung - Trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chuyển đổi số là quá trình áp dụng công nghệ nhằm tối ưu hiệu quả sản xuất, cung ứng và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp logistics cần số hóa dữ liệu, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để phân tích dữ liệu, tạo ra các giá trị như nâng cao trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí vận chuyển, giảm rủi ro và tăng doanh thu. Mặc dù có quy mô hơn 3.000 doanh nghiệp, tuy nhiên khoảng 89% là các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, với số vốn dưới 10 tỷ đồng, khoảng 5% có vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng, còn lại là các doanh nghiệp khác.

Bà Cao Cẩm Linh - Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Bà Cao Cẩm Linh - Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho biết, bước chuyển đổi kỹ thuật số đầu tiên trong ngành logistics tại Việt Nam có thể kể tới sự ra đời của “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - SuperPort”. Đây là đơn vị do 2 tập đoàn lớn là T&T Group (Việt Nam) và YCH Holdings (Singapore) hợp tác đầu tư để tạo ra một trung tâm logistics thông minh và hiện đại tại Việt Nam. Tiếp đến là, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng nền tảng bản đồ Vmap và cơ sở dữ liệu địa chỉ thời gian thực để định vị và gán mã cho địa chỉ hộ gia đình. Nền tảng mã địa chỉ bưu điện có khả năng số hóa và định vị chính xác khách hàng để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực, dịch vụ có nhu cầu tìm kiếm, góp phần tối ưu hóa việc chuyển phát từ người gửi đến người nhận của các doanh nghiệp bưu chính, vận tải, logistics và thương mại điện tử. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sau khi áp dụng thành công cảng điện tử và lệnh giao hàng điện tử, các chương trình quản lý, điều hành sản xuất tiên tiến đã giảm 55% thời gian tàu có mặt tại cảng; thời gian giao hàng giảm còn 3/4; giảm 60% số vụ mất an toàn lao động và an toàn giao thông. Tập đoàn FPT nhờ sử dụng nền tảng phân tích dữ liệu khách hàng Customer Insights Platform, đã có 38.000 khách hàng, tăng doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng… Tuy nhiên, nhìn toàn ngành logistics Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp đạt được bước chuyển mình mạnh mẽ còn ít. Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số. Theo kết quả của IDC, chỉ 16% doanh nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn sẵn sàng chuyển đổi số. Khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 của 17 ngành sản xuất kinh doanh thì 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đều đang có mức sẵn sàng thấp, 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, các chuyên gia cho rằng, về phía Nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, lãi vay để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics có điều kiện đầu tư vào mạng lưới kho bãi, hệ thống phân loại hàng hóa, thiết bị tự động hóa với năng suất cao. Có chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ về vốn vay và lãi vay ưu đãi cho các công ty startup về giải pháp công nghệ số, nhằm giúp các doanh nghiệp logistics có thể mua hoặc thuê giải pháp từ các doanh nghiệp cung cấp phần mềm khi chưa có đủ khả năng tài chính. Đặc biệt, cần nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics. Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Nghiên cứu sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới trong thương mại điện tử.

Về phía doanh nghiệp logistics, cần nâng cao nhận thức về tính cấp bách của chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là tất yếu nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường. Với các doanh nghiệp logistics lớn, cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, đào tạo lại nguồn nhân lực. Nên chú trọng cải thiện năng lực tài chính thông qua việc hợp tác, sáp nhập với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hoặc tìm kiếm các nhà đầu tư mạnh để có nguồn lực tài chính ổn định cho phát triển công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 2822

Về trang trước Về đầu trang